Quảng Nam cách ly y tế tập trung người về từ các vùng dịch ở TP HCM
Phóng viên Đình Thiệu/VOV- miền Trung đưa tin:Chiều nay (31/5), UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn về việc triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, giám sát y tế người từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Nam để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết thần tốc, xác minh nơi lưu trú của tất cả người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh kể từ ngày 11/5/2021 đến nay. Cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với những người này kể từ ngày cuối cùng từ TP Hồ Chí Minh về đến Quảng Nam và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Tỉnh Quảng Nam thực hiện cách ly tập trung người đến/ở /về từ TP. Hồ Chí Minh lưu trú tại Quảng Nam nếu đã đến các địa điểm tại mốc thời gian theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế và hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh gồm: phường Thạnh Lộc (quận 12) và toàn quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Người từ TP Hồ Chí Minh về nếu không thuộc các trường hợp nêu trên, phải thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 21 ngày nếu thời gian ở lại Quảng Nam quá 21 ngày hoặc cách ly tại nhà, nơi lưu trú cho đến khi quay về TP Hồ Chí Minh nếu thời gian ở lại Quảng Nam dưới 21 ngày.
Trong thời gian cách ly tại nhà, nơi lưu trú, nếu có các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, đau họng...thì phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn./.
Quảng Ngãi tạm dừng vận tải khách tuyến Quảng Ngãi- TP Hồ Chí Minh:
Phóng viên Vinh Thông/VOV-miền Trung đưa tin: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định và hợp đồng từ Quảng Ngãi đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại, kể từ 0 giờ ngày 1/6 đến khi có thông báo mới.
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến rất phức tạp. Đây là một trong những địa phương có đông người quê ở Quảng Ngãi làm ăn sinh sống. Trước việc chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều người từ TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có dịch đã tìm cách trở về quê, nếu tỉnh Quảng Ngãi không kiểm soát chặt thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Chủ tịch UBND Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương rà soát công dân từ các ổ dịch ở TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi từ ngày 15/5 đến ngày 30/5 để yêu cầu khai báo và cách ly y tế theo quy định.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kêu gọi người dân thông báo ngay cho chính quyền địa phương những trường hợp từ vùng dịch về địa phương nhưng không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, chung tay phòng chống dịch bệnh.
“Khi quyết định dừng hoạt động vận tải khách tuyến Quảng Ngãi- TP Hồ Chí Minh, tỉnh cân nhắc rất kỹ, xem xét về nhiều mặt, những cái lợi và bất lợi. Trước hết, chúng tôi đặt lợi ích chung của tỉnh lên trên hết, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo phòng, chống dịch có hiệu quả”,ông Minh cho biết./.
Gia Lai phân luồng, cách ly 1.600 người về từ TP. HCM:
Phóng viên Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên phản ánh:Hôm nay (31/5), hàng trăm cán bộ y tế, công an và quân đội thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Gia Lai đã khẩn trương thực hiện phân luồng, cách ly hàng ngàn người dân trở về từ vùng dịch TP.HCM, sau khi thành phố này thực hiện dãn cách xã hội.
Việc phân luồng diễn ra từ 2 giờ sáng 31/5. Theo đó, lực lượng của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Gia Lai đã yêu cầu hơn 1500 người trên 53 phương tiện và 116 người trên một chuyến bay từ TPHCM về thành phố Pleiku thực hiện khai báo y tế. Sau khi sàng lọc, 667 người được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, 133 người trong số đó được đưa đi cách ly tập trung ở huyện Đức Cơ.
Ngoài việc kiểm soát hành khách ở sân bay, tất cả các bến xe tại thành phố Pleiku và các huyện, thị xã, Sở Giao thông Vận tải Gia Lai yêu cầu các phương tiện tại tỉnh cập nhật thông tin ngay từ Bến xe miền Đông (TP.HCM), kiểm soát bằng qua camera giám sát hành trình và các chốt kiểm soát dọc đường, yêu cầu báo cáo các điểm dừng trả khách. Cùng với đó, tỉnh lập lại 4 chốt kiểm soát dịch trên các quốc lộ 14, 19 và 25 đi vào địa phương từ 0 giờ 31/5, kiểm soát và tiếp tục phân luồng đối với những phương tiện về từ TP.HCM.
Ông Bá Tường Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Gia Lai cho biết: “Cụ thể là cách ly ngay những người ở TP.HCM về đối với những người từ quận Gò Vấp. Những quận khác như Quận 1, Quận 3, và những địa phương khác thì căn cứ vào địa điểm cụ thể, nếu ở tâm dịch thì cách ly tập trung, trường hợp khác thì cách ly tại nhà. Việc chấp hành thì tôi thấy họ chấp hành tốt, đúng quy trình”./.
Đắk Lắk chặn dịch Covid-19: Ea H’Leo giãn cách xã hội từ 21h ngày 31/5:
Theo phóng viên Nam Trang/VOV-Tây Nguyên: Trưa ngày 31/5, Bộ Y tế công bố thêm 1 ca bệnh COVID-19 tại Đắk Lắk, là bệnh nhân số 7186. Trường hợp này trú tại thôn 7, xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo, là F1 của bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Ea H’Leo đã cấp tốc triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
Đến nay, hơn 600 trường hợp F1, F2 và F3 đã được truy vết, 10 điểm đang thực hiện lệnh phong tỏa. Công tác chuẩn bị cho việc giãn cách xã hội cũng đã được lên phương án cụ thể.
Ông Nông Ngọc Thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Wy, nơi có các địa điểm liên quan đến bệnh nhân số 7186, cho biết, ngay từ 10h đêm 30/5, lực lượng chức năng địa phương đã thực hiện lập chốt, phong tỏa các khu vực quán Thanh Dậu, quán cà phê cây Si, quán ăn 3 Khía, phòng khám Nha khoa Việt Pháp 2, đồng thời thực hiện truy vết các F1, F2.
“Bằng mọi giải pháp thì đã thống kê được 27 trường hợp F1, các trường hợp F2 cũng gần 200 người. Đến giờ phút này chúng tôi đã thực hiện 5 điểm chốt tại các khu vực có trường hợp F0 ghé ngang qua. Các điểm chốt cũng đã được thông tin trên hệ thống loa đài. Bây giờ chúng tôi triển khai cho Trạm y tế xã tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2 và F3. Về vấn đề này chúng tôi kêu gọi người dân nắm bắt mọi thông tôi tiếp tục đi khai báo y tế", ông Nông Ngọc Thiết nói.
Còn tại xã Cư Mốt, nơi ghi nhân bệnh nhân COVID-19 số 7186, từ đêm qua đến nay chính quyền xã đã truy vết và đưa đi cách ly tập trung 15 trường hợp F1. 150 trường hợp F2 và 180 trường hợp F3 cũng đã được hướng dẫn cách ly y tế. Địa phương cũng thành lập 5 chốt phong tỏa tại 3 thôn 6a, 6b và thôn 7 với 2.500 dân.
Ông Võ Văn Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Mốt, cho biết: mỗi chốt phong tỏa, chính quyền xã đã bố trí 7 thành viên gồm lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và Công an phụ trách. Công tác hậu cầu cho người dân trong khu phong tỏa cũng được địa phương chú trọng.
“Chúng tôi giao mỗi tổ 2 thanh niên và phụ nữ khi người dân trong khu vực phong tỏa có nhu cầu thì sẽ liên hệ thì đội hình thanh niên tình nguyện của chúng tôi sẽ đi mua các nhu cầu thiết yếu của người dân để cung cấp cho người dân. Ủy ban Mặt trận cũng ra lời kêu gọi để vận động cán bộ công chức cũng như viên chức trên địa bàn có phần đóng góp của cá nhân mình cho công tác phòng chống dịch này”, ông Lệ cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo, tính đến 14h ngày 31/5, địa phương này đã truy vết được 62 trường hợp F1, hơn 300 trường hợp F2. Hiện toàn bộ trường hợp F1 đã được đưa lên khu cách ly tập trung của tỉnh tại khu Ký túc xá trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm đã có 47/62 trường hợp âm tính lần 1 với SARS –CoV2. Bắt đầu từ 21h ngày 31/5 UBND huyện sẽ thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với thị trấn Ea Đrăng, xã Ea Wy.
Ông Nguyễn Văn Hà khẳng định, chính quyền địa phương đã lên phương án đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cho người dân. Cùng với đó, UBND huyện đã phân công trách nhiệm cho từng đơn vị và yêu cầu các lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định giãn cách.
“Văn hóa có trách nhiệm phải kiểm tra những lĩnh vực văn hóa quản lý, Nội vụ thì kiểm tra về vấn đề tôn giáo còn công an thì kiểm tra các nhà xe đưa đón chở khách về. Đối với các xã, các phòng ban nếu như để xảy ra tình trạng vi phạm thì trách nhiệm đó thuộc về người đứng đầu. Không lơ là mất cảnh giác nhưng luôn có tâm thế sẵn sàng, không giao động”, ông Hà nói.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 nay, Đắk Lắk đã ghi nhận 4 ca bệnh đó là các ca bệnh số 3237, 3334, 3836 và 7186. Địa phương này cũng đã cách ly tập trung, cách ly tế hàng trăm ca F1, cách ly tại nhà hơn 5.000 người và hơn 3.000 người sống trong các khu phong tỏa./.
Kon Tum tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây COVID-19
Theo phóng viên Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, hôm nay (31/5), tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây dịch bệnh COVID-19 xâm nhập.
Từ hôm nay 31/5, tỉnh Kon Tum tạm dừng tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng từ tỉnh đi và đến TP Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe vận chuyển phòng chống dịch và các trường hợp cần thiết khác được sự cho phép của các cơ quan chức năng).
Các phương tiện có hành trình đi ngang qua địa bàn TP Hồ Chí Minh thì tuyệt đối không được dừng, đỗ để đón trả khách, ăn uống nghỉ ngơi trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương ở Kon Tum cũng rà soát lại tất cả các trường hợp từ TP Hồ Chí Minh đến/ở/về từ ngày 18 đến ngày 29/5.
Đối với những trường hợp chưa thực hiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung sẽ được lập danh sách, hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm giám sát SARS-CoV-2. Thời gian hoàn thành việc rà soát, lấy mẫu xét nghiệm chậm nhất vào ngày 2/6.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, xuất hiện và lây lan trên địa bàn tỉnh, từ 0 giờ ngày 1/6, tỉnh Kon Tum tiếp tục nâng cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên mức cao nhất./.
Bình Thuận thành lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP HCM đưa tin: Trước diễn phức tạp của dịch Covid-19, hôm nay (31/5), UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng với các địa phương thành lập các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 liên ngành tại các địa phương.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thành lập các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 liên ngành tại các địa phương từ ngày 31/5/2021 đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc tuyến Quốc lộ 1A; xử lý nghiêm các trường hợp đón trả khách sai quy định và các xe vận tải hành khách từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có dịch đến Bình Thuận.
Riêng tại thành phố Phan Thiết, ngay trong sáng nay đã ra thành lập 5 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại 5 điểm: Chốt vòng xoay phía Bắc Phan Thiết (phường Xuân An); Chốt vòng xoay phía Nam Phan Thiết (xã Tiến Lợi); Chốt kiểm dịch tại ngã tư Trường Chinh – Lê Duẩn (phường Phú Tài); Chốt kiểm dịch Hòa Thắng – Mũi Né (phường Mũi Né); Chốt tại cầu Suối Nhum (xã Tiến Thành).
Các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ kể cả thứ bảy, Chủ nhật. Tại các chốt kiểm dịch này, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là từ TP Hồ Chí Minh vào địa phương.
Cũng trong hôm nay (31/5), Sở Y tế Bình Thuận vừa phát thông báo yêu cầu người dân từng đến Quán Châu Đốc (cách cổng Thánh mẫu Đức mẹ Tà Pao khoảng 50m), xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh từ ngày 24/5 đến ngày 29/5 phải khai báo y tế.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, lúc 14 giờ ngày 24/5 bệnh nhân 6777 có đến Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao (Đức mẹ Tà Pao), xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Qua điều tra dịch tể xác định bệnh nhân 6777 có đến Quán Châu Đốc (cách cổng Thánh mẫu Đức mẹ Tà Pao khoảng 50m), xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh. Do đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được triển khai có hiệu quả, Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu người dân trong và ngoài tỉnh Bình Thuận có đến Quán Châu Đốc trong khoảng thời gian từ 14 giờ ngày 24/5 đến hết ngày 29/5 phải liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo y tế.
Sở Y tế Bình Thuận cũng cho biết, đến thời điểm này, những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân 6777 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao ở Bình Thuận đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2./.
Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM sẵn sàng tiếp nhận người đến cách ly
Phóng viên Vũ Hường/VOV-TPHCM cho biết:Trong sáng nay (31/5), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Bắt đầu từ đêm nay, ký túc xá này sẵn sàng tiếp nhận người đến cách ly tại một số tòa nhà.
Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM là một trong 7 ký túc xá được trưng dụng làm khu cách ly tập trung theo yêu cầu của UBND TPHCM. Có 7 tòa nhà cụm A.F của khu A trong ký túc xá sử dụng làm khu cách ly tập trung. Đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý Ký túc xá đã bàn giao 1 tòa nhà với 80 phòng, dự kiến cho khoảng 300 – 320 người cách ly.
Trước đó, ngày 28/5, Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã ra văn bản yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá trước 17h ngày 1/6.
Theo ông Lại Thế Tuân - Trưởng phòng tổng hợp, Trung tâm quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Quản lý đã phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các sinh viên đã khẩn trương tiến hành thu dọn đồ đạc, vật dụng tại phòng ở của sinh viên vào sáng nay (31/5).
Tài sản tại các phòng của sinh viên được đóng thùng niêm phong hoặc được bàn giao cụ thể. Trường hợp phòng bị hư hỏng về điện, nước... thì người cách ly sẽ đổi sang phòng dự trữ.
Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM có chỗ ở cho gần 36.000 sinh viên. Đây cũng là nơi có các điều kiện đảm bảo để làm khu cách ly bao gồm cả về số lượng người có thể tiếp nhận cũng như kinh nghiệm được trưng dụng làm khu cách ly tập trung trước đó.
Bình Dương sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 ở một số địa phương:
Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP HCM cho biết: Chiều nay (31/5), ông Nguyễn Hoàng Thao- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã thống nhất thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ ở một số địa phương trong tỉnh.
Đối với các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và các thị xã Bến Cát, Tân Uyên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; riêng phường Hiệp Thành của thành phố Thủ Dầu Một và phường Bình Chuẩn của thành phố Thuận An thì xem xét từng khu vực để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với huyện Bàu Bàng, khoanh vùng nơi có đông công nhân, nhà máy, xí nghiệp để áp dụng Chỉ thị 15. Các huyện còn lại là Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên xem xét nâng mức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. UBND tỉnh giao các địa phương có công văn yêu cầu, hướng dẫn người dân thực hiện theo theo đúng chỉ đạo.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo đời sống cư dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly; rà soát, lập khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh, xem xét phương án trưng dụng khách sạn để làm khu cách ly nếu trong trường hợp cấp bách.
Các ngành liên quan xem xét lập các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, Mỹ Phước - Tân Vạn. Đối với các đường huyện, xã, tùy vào tình huống, yếu tố quan trọng của tuyến đường, lãnh đạo địa phương quyết định lập chốt kiểm soát dịch, nhưng phải hướng tới mục tiêu phòng, chống dịch chứ không gây khó khăn, cản trở cho việc lưu thông.
Với đề xuất của ngành Giáo dục-Đào tạo vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong ngày 2 và 3/6, học sinh trong các khu cách ly, phong tỏa sẽ tổ chức thi lần 2; tạm dừng hoạt động tất cả trung tâm đào tạo, các lớp ngoại khóa, vui chơi trong dịp hè, ãnh đạo tỉnh thống nhất và yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo tổ chức thi tuyển sinh tuyệt đối an toàn.
Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, Bình Dương ghi nhận có 7 ca mắc Covid-19, trong đó 4 ca được cách ly và điều trị tại TPHCM có yếu tố dịch tễ liên quan đến tỉnh Bình Dương và 3 ca trên địa bàn tỉnh là các trường hợp F1 có địa chỉ tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An. Bình Dương đã thực hiện các bước để phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Dương, đến chiều 31/5, qua điều tra dịch tễ xác định có tổng cộng 191 trường hợp là F1 của 6 ca mắc Covid-19 ở Bình Dương.
Cụ thể, tại Công ty CJ VINA AGRI chi nhánh Bình Dương với BN7059 (liên quan chuỗi ca bệnh tại TPHCM) có địa chỉ số 12, đường số 17, Khu dân cư Hiệp Thành 3, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, có 7 trường hợp F1 sống ở TP Thủ Dầu Một đã được đưa đi cách ly tập trung. 18 trường hợp F1 còn lại hiện đang lưu trú tại thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Trung tâm Y tế thành phố đã cung cấp danh sách để các địa phương đưa họ đi cách ly theo đúng quy định.
TP Thủ Dầu Một cũng đã thực hiện cách ly y tế tạm thời một phần Khu dân cư Hiệp Thành 3 và lấy mẫu xét nghiệm 187 hộ với 800 nhân khẩu trong khu vực cách ly. Hướng dẫn các hộ gia đình xung quanh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Còn liên quan đến 5 ca mắc trong một gia đình ở khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, trong sáng nay, đã truy vết được 166 trường hợp F1, đưa đi cách ly tập trung 118 người và lấy mẫu xét nghiệm, bước đầu cho kết quả âm tính.
Thành phố cũng đã thực hiện cách ly y tế tạm thời 5 địa điểm liên quan đến các ca mắc; tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm các hộ dân trong khu vực cách ly./.
Bà Rịa– Vũng Tàu tăng cường kiểm tra trên Quốc lộ 51:
Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cho biết, ngoài bố trí thêm 6 cán bộ đến làm nhiệm vụ, để tránh tình trạng ùn ứ giao thông. Đơn vị cũng đã chia chốt này thành 3 tổ gắn với lực lượng kiểm tra y tế, các tổ cách nhau 1 km trên tuyến để kiểm soát các loại phương tiện như xe tải, xe khách và mô tô, xe gắn máy.
Việc chia tổ đồng thời đảm bảo giãn cách và không để lọt phương tiện và người phải kiểm tra.
"Trước đây chúng tôi chỉ bố trí 1 chốt kiểm soát dịch bệnh trên Quốc lộ 51, vừa kiểm tra y tế vừa cảnh báo tình hình dịch bệnh cho người dân. Tuy nhiên, sau khi TPHCM có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh thì chủ trương của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là tăng cường lực lượng, do đó chúng tôi đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng phòng chống dịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tăng cường thêm lực lượng và thành lập thêm 3 tổ kiểm soát y tế", Đại tá Lê Văn Ninh cho biết./.
Cần Thơ tăng cường nhân lực xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 tại cộng đồng:
Theo Phóng viên Thanh Tú/VOV-ĐBSCL: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, mấy ngày qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế ở các xã, phường và các lực lượng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ về các bước lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 tại cộng đồng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Cần Thơ cho biết, ngoài các lực lượng cán bộ y tế ở các xã, phường trên địa bàn, CDC Cần Thơ vừa tiến hành diễn tập cho khoảng 300 em là sinh viên năm cuối của Trường Đại học y dược Cần Thơ về các bước lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 trong cộng đồng; nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
“Lực lượng xét nghiệm, mình đã tập huấn cho các cán bộ y tế ở phường xã và các em sinh viên năm cuối – năm thứ 5 có chuyên khoa xét nghiệm để khi có tình huống cần thiết mình huy động. Đến nay, lực lượng lấy mẫu của mình là khoảng 1000 người. Thứ sáu tới đây, phối hợp với bên trường để tập huấn về vấn đề truy vết”, BS Trúc nói.
Cụ thể, tại buổi tập huấn, các em sinh viên đóng vai trò là người được lấy mẫu xét nghiệm; nhân viên y tế tham gia lấy mẫu, thu thập thông tin, điều phối phân khu vực nhiễm khuẩn…Tất cả các bước được sinh viên thực hiện giống như buổi lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 trong cộng đồng; đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Trúc, việc tổ chức các quy trình phải được thực hiện một cách khoa học, đảm bảo nguyên tắc giãn cách; việc thu thập thông tin cần phải đảm bảo để lưu trữ và truy xuất thông tin một cách dễ dàng và đầy đủ; thực hiện lấy mẫu phải được dựa trên nguyên tắc đảm bảo đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, công tác đóng gói, vận chuyển mẫu; cần phải mã hóa các kit mẫu để đảm bảo thời gian, nhân lực ở phòng xét nghiệm trong quá trình thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm. Nguyên tắc cuối cùng là đảm bảo việc khử khuẩn sau khi đã tổ chức lấy mẫu…
Thời gian qua, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và liên tục triển khai các hoạt động trong công tác chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu nhất, từ việc xây dựng các kịch bản đến tổ chức diễn tập, tập huấn cán bộ giảng viên cũng như sinh viên toàn trường để sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ cùng với cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ cùng chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19./.
Trà Vinh thiết lập vùng cách ly y tế và giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19
Phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL cho biết: Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, ngành chức năng Trà Vinh vừa thiết lập vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội tại khu vực khóm 5 và khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện cầu Kè.
Vùng cách ly này nằm dọc trục đường 30/4 thuộc khóm 5, khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, gồm 52 hộ dân với 181 nhân khẩu được áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Và 01 Khu vực cách ly y tế, từ phía Đông giáp Cửa hàng xe gắn máy Thanh Bình An, phía Tây giáp Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cầu Kè và Trường Tiểu học thị trấn Cầu Kè, phía Bắc giáp sông Cầu Kè, phía Nam giáp đường đal khóm 6.
Như tin đã đưa, vào 20 giờ 30 ngày 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh đã nhận được phản hồi từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh với kết quả “nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2”.
Đối tượng là nam sinh viên của trường Đại Học Văn Lang TP.HCM trở về nhà tại địa chỉ Khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào ngày 21/5. Và 5 ngày sau người này bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng; đi khám và uống thuốc vẫn không thuyên giảm.
Sau khi lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tối ngày 30/5 đã cho kết quả “nghi nhiễm SARS-CoV-2”. Hiện đối tượng được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 1 để tiếp tục cách ly, điều trị./.
Kiên Giang lập các chốt kiểm soát, phòng chống dịch từ 00h ngày 1/6
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lập các chốt kiểm soát, phòng chống dịch trên các tuyến đường đi vào địa phận tỉnh Kiên Giang từ 00h ngày 1/6 đến hết ngày 15/6.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ 0h ngày 31/5 đến hết ngày 15/6; không cho tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học.
Các cơ sở sản xuất, nhất là ở Khu công nghiệp Thạnh Lộc và cụm công nghiệp nếu không đảm bảo an toàn thì buộc phải tạm dừng hoạt động để chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch.
Thành lập ngay các tổ covid 19 tại các cơ sở sản xuất có từ 11 lao động trở lên, tại ký túc xá hoặc nơi ở của người lao động.
Phát động phong trào và thành lập tổ hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI, mã QR code để khai báo y tế hằng ngày cho người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh.
UBND TP Hà Tiên chủ động đề nghị tỉnh cho thành lập 2 chốt kiểm soát tại ngã ba Cây Bàng và cầu Hà Giang nhằm kiểm tra, kiểm soát tình hình khai báo y tế của người dân khi ra vào địa bàn và kịp thời ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh bất hợp pháp trên địa bàn TP Hà Tiên ./.