Riêng trong ngày 15/7, dông lốc đã làm sập 32 căn nhà và tốc mái hơn 360 căn nhà khác của người dân Cà Mau, Ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, huyện Trần Văn Thời chịu thiệt hại nặng nề nhất với hàng chục căn nhà bị sập, tốc mái.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 177 căn nhà bị sập, 1.270 căn tốc mái do dông lốc. Ngoài ra, triều cường dâng cao gây ngập nhà, thiệt hại tài sản hàng ngàn hộ dân. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là người dân ở các thị trấn miền biển như: Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) và các cửa biển tập trung đông dân cư như Khánh Hội, Đá Bạc.
Ông Lê Văn Beo sống ở cửa biển Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) nêu rõ: "Năm trước triều cường thấp, còn năm nay lên cao liền mấy ngày. Triều cường lên nhanh và lâu, gây thiệt hại lớn. Triều cường đợt này chưa rút đã có đợt khác lại. Đồ đạc trong nhà tôi hư hết, quần áo thì bị kéo đi, đồ điện tử thì trôi lềnh bềnh theo nước. Nước ngập ngang người, chúng tôi không thể nấu cơm, phải nhờ con cái ở bên trong nấu mang ra".
Dông lốc, triều cường thời gian gần đây cũng làm sập gần 2.000 ha lúa, gần 300 ha vuông tôm, ao nuôi cá của người dân bị ngập. Một hình thức thiên tai khác cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau là sạt lở bờ sông, với 13 vụ đã xảy ra trong nửa đầu tháng 7.
Thời tiết cực đoan cũng làm nhiều đoạn đê biển Tây của tỉnh bị sạt lở. Trong đó, có 3 đoạn đê biển không còn rừng phòng hộ bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây xuất hiện 1 đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 300 mét, có nguy cơ gây vỡ đê bất kỳ lúc nào. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả.
"Khi triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn thì nước mặn tràn qua đê. Đây là vùng sản xuất lúa của huyện Trần Văn Thời, thuộc Tiểu vùng 3, Bắc Cà Mau. Đây cũng là vùng ngọt hóa duy nhất của tỉnh cho nên việc ngăn sạt lở, bảo vệ đê biển là rất cấp thiết. Với những vị trí không còn rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài thì nguy cơ sẽ tiếp tục bị tràn. Do đó, cũng phải có giải pháp, ví dụ như sẽ làm gơ để chắn sóng để chặn nước tràn", ông Hoai nói.
Từ đầu tháng 7 đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau ước khoảng 14,5 tỷ đồng; còn tính từ đầu năm là gần 20 tỷ đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn Cà Mau cảnh báo, đang trong mùa mưa, thời tiết cực đoan có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, người dân địa phương cần chủ động các biện pháp phòng tránh. Trong đó, chú trọng việc chằng chống nhà cửa, đặc biệt, đối với các hộ dân ven biển. Trong sản xuất, người nuôi trồng thủy sản cần gia cố bờ bao; người dân trồng lúa cần chủ động phương tiện để bơm tát nước chống ngập úng khi cần thiết./.