Trao đổi với phóng viên, ông Dư Đức Tiến, Trưởng phòng dự báo số trị Viễn thám Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, sáng 3/10, ở vùng biển Đông Nam Philippines, khoảng kinh tuyến 130-131 độ kinh Đông đã hình thành 1 vùng áp thấp, có vị trí khoảng 7,4N-131,0E, cách miền Nam Philippines khoảng 500km về phía Đông.
Dự báo khoảng ngày 6-7/10, vùng áp thấp này đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), những ngày sau đó có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo ông Tiến, trong khoảng ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh mạnh tăng cường và có khả năng tương tác với áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão (bão/ATNĐ) nên diễn biến của bão/ATNĐ trên Biển Đông sẽ rất phức tạp.
“Từ khoảng ngày 5-6/10 trên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có khả năng xuất hiện gió mạnh cấp 6-7, tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông cần chú ý theo dõi các thông tin dự báo trong những ngày tới để đảm bảo an toàn, tránh những vùng nguy hiểm có gió mạnh và sóng lớn của cơn bão”, ông Tiến khuyến cáo.
Theo ông Dư Đức Tiến từ khoảng đêm 4, sáng 5/10 đến 8/10, dù chưa ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ hay bão, nhưng các tỉnh Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa nhiều nơi, một số nơi sẽ có mưa to đến rất to do hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ sẽ mạnh lên.
Khu vực Tây nguyên và Nam Bộ chiều và đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to; Khu vực Hà Nội, từ đêm 3-11/10, có mưa rào và dông vài nơi; riêng thời kỳ từ đêm 4-6/10 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ đêm 11-13/10, có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhận định về tình hình mưa bão năm 2021, ông Tiến chia sẻ: “Từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 10 và tháng 11 sẽ là thời gian có nhiều ATNĐ, bão hoạt động trên Biển Đông, đây cũng là thời gian cao điểm của mùa mưa bão năm 2021. Vì vậy cần đề phòng mưa lớn xảy ra ở khu vực Trung Bộ (đặc biệt là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ) trong tháng 10, tháng 11 và gió mạnh trên biển do hoạt động của gió bão và ATNĐ trên Biển Đông. Tháng 10 và 11 cũng là cao điểm trong mùa mưa bão cho khu vực Trung Bộ với lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%”.
Trước nguy cơ vùng áp thấp mạnh lên thành bão trên Biển Đông, để chủ động ứng phó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển triển khai một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến, dự báo về khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông để thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh.
Có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.