Trao đổi bên hành lang Quốc hội với phóng viên VOV.VN, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông chưa nhận được thông tin về vụ việc ông Nguyễn Hữu Toàn và những thành viên trong gia đình trong hơn 4 năm qua ôm đơn kêu cứu đi khắp nơi để phản ánh việc chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng sai phạm trong quá trình làm hồ sơ thi hành án, khiến hàng ngàn mét vuông đất của gia đình bị “treo”.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cũng cho biết, sẽ yêu cầu Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan liên quan báo cáo, xác minh làm rõ thông tin báo chí phản ánh.
“Chúng tôi sẽ cho xác minh, yêu cầu báo cáo và đốc thúc xử lý vụ việc. Đây cũng là trách nhiệm đối với người dân”, ông Mẫn nói.
Như VOV.VN đã phản ánh trước đó, trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Báo điện tử VOV mới đây, ông Nguyễn Hữu Toàn (SN 1983, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đại diện cho 6 thành viên khác trong gia đình phản ánh việc chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã có hành vi vi phạm pháp luật về thông báo, thẩm định giá, xác minh và các hành vi khác làm sai lệch hồ sơ thi hành án dân sự gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng cho bản thân ông Nguyễn Hữu Toàn và các thành viên khác trong gia đình.
Cụ thể, trong hồ sơ thẩm định giá, hàng loạt diện tích đất thổ cư bỗng được chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng kê biên thành đất ao hồ gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn. 2 căn nhà xây kiên cố trên đất nhưng khi kê khai cũng bỗng dưng biến mất, không được tính là tài sản trên đất…
“Nhiều năm nay chúng tôi khổ sở ôm đơn thi khắp nơi kêu cứu, phía Cục Thi hành án cũng đã thừa nhận có sai sót trong kê biên tài sản và hứa sẽ hủy bản án, nhưng đã hơn 4 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn chưa được giải quyết. Toàn bộ đất đai hiện nay trong tình trạng “treo”, không được phép sản xuất, mua bán, nhà cửa xuống cấp dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng cũng không được phép sửa chữa”, ông Nguyễn Hữu Toàn bức xúc.
Trước đó, ngày 19/5, phóng viên VOV đã đến trực tiếp trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng tại địa chỉ Khóm 4, phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng để làm việc theo lịch hẹn trước với lãnh đạo Cục này. Tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng cho biết, đã nhiều lần nhận được đơn thư về các vấn đề trên từ gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn. Song vị lãnh đạo từ chối thông tin trực tiếp và hứa sẽ trả lời bằng văn bản khi nhận được câu hỏi từ phóng viên.
Đến ngày 23/5, phóng viên Báo điện tử VOV tiếp tục gửi câu hỏi qua email như bà Nga đã hướng dẫn trước đó, nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên chỉ nhận được câu trả lời như “Cục đang họp và xem xét trả lời”, nhưng thời gian nào có phản hồi thì vị lãnh đạo Cục này không nói rõ.
Sau đó, khi PV tiếp tục liên hệ vì không nhận được phản hồi, Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng lại yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi qua đường công văn, văn bản có đóng dấu của Báo Điện tử VOV và sẽ không trả lời bằng văn bản qua email như đã trao đổi trước đó. Lãnh đạo Cục cho biết, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được công văn sẽ trả lời.
Như VOV.VN đã phản ánh, trong đơn thư, ông Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, ông và 5 thành viên khác trong gia đình có dùng sổ đỏ để giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh (là anh trai ruột của ông Toàn) vay vốn để mở Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến. Tuy nhiên, sau đó Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến do ông Nguyễn Hữu Thạnh làm đại diện bị phá sản, không có khả năng tự chi trả số tiền đã vay cho ngân hàng.
Xét theo Bản án số 14/2009/DSST ngày 16/12/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thì trong trường hợp công ty của ông Nguyễn Hữu Thạnh không hoàn trả được số tiền đã vay cho ngân hàng thì các tài sản thế chấp sẽ bị xử lý phát mại.
Ngày 1/10/2010, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định số 175/QĐ-THA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của ngân hàng cho ông Nguyễn Hữu Thạnh vay vốn.
Trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, trong quá trình thi hành án, Cơ quan thi hành án đã không tạo điều kiện để những người chủ sở hữu, đồng sở hữu tài sản thế chấp trả nợ thay cho Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Tân Tiến để hoàn trả cho phía ngân hàng.
“Trước ngày bán đấu giá, chúng tôi có đến gặp chấp hành viên để xin nộp tiền trả nợ thay và nhận lại tài sản đã thế chấp nhưng không được giải quyết. Họ nói rằng cứ về rồi từ từ giải quyết, nhưng sau đó gia đình tôi nhận được tin toàn bộ đất đai bị đem ra bán đấu giá.
Phía Cục Chấp hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng sau này có giải thích rằng đã nhiều lần gửi thông báo đến cho tôi và những người trong gia đình tôi có liên quan đến vụ việc. Nhưng thực tế thông báo này không được gửi đến đúng địa chỉ của tôi như ghi trên hồ sơ bản án, tôi và các thành viên trong gia đình đều không nhận được thông báo. Việc tài sản bỗng chốc bị đem ra bán đấu giá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi, những con người đang bám vào việc nuôi trồng thủy sản để sinh sống, đẩy chúng tôi đến cảnh không còn nơi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Hữu Toàn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Toàn, trong quá trình thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thì chấp hành viên Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng đã không thẩm định đúng loại đất, không đúng giá trị đất. Theo đó, thửa đất của chính ông Toàn có diện tích là 2.963m2 đã được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nuôi trồng thủy sản thành sử dụng để cất nhà ở và kinh doanh. Song, chấp hành viên đã xác định diện tích đất trên là đất ao hồ dẫn tới giá trị tài sản bị sai, gây thiệt hại cho ngân hàng và chính bản thân ông Thạnh, ông Toàn. Trên mảnh đất này có một căn nhà gỗ với diện tích 330m2, xây từ năm 2004 với chi phí gần 2 tỷ đồng, nhưng khi kê khai tài sản, căn nhà này cũng không được kê khai là tài sản nằm trên đất.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, sau nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng, thì Cục đã có kết luận số 03KL-THADS ngày 26/6/2018 do Phó Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Sóc Trăng Hồ Minh Hải ký. Trong đó, chấp hành viên có giải trình một số nội dung sai lệch khi kê biên tài sản do “lỗi sơ xuất đánh máy” nhưng sau đó vẫn tiếp tục cưỡng chế.
“Nhiều lần Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng trả lời miệng rằng vì có một số lỗi trong quá trình thẩm định, kê biên tài sản nên đã gửi đề nghị lên Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng để hủy bản án và tiến hành thẩm định, đấu giá lại từ đầu, song suốt 4 năm qua, vẫn chưa có kết quả”, ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết.
“Ngoài ra, ở một mảnh đất khác thuộc sở hữu của anh trai tôi là ông Nguyễn Hữu Tấn (đã mất năm 2008) và vợ là bà Trần Lê Khoa, trong quá trình kê biên cũng đã có sự chênh lệch diện tích thấp hơn diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 2.000 m2.
Biên bản kê khai tài sản cũng kê thiếu và không thẩm định giá, bán đấu giá với 1 căn nhà cấp 3 có diện tích là 184,03 m2 xây dựng năm 2004 nằm trên mảnh đất này. Quá trình thẩm định và đấu giá đất không đúng giá trị đất, từ đất ở chuyển thành đất ao hồ là 2.331m2”, ông Nguyễn Hữu Toàn bức xúc.
Tương tự ông Nguyễn Hữu Toàn, bà Lê Thị Đông Xuân (chị họ ông Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Hữu Thạnh) cũng từng cầm cố sổ đỏ để vay vốn giúp ông Nguyễn Hữu Thạnh. Bà Xuân cho biết, đến khi ông Thạnh bị vỡ nợ, gia đình bà nhiều lần mang số tiền phải trả (tổng số là 150 triệu đồng) lên ngân hàng và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng để trả nợ, chuộc lại diện tích đất đã cầm cố, nhưng không thành.
“Khi chúng tôi hỏi ngân hàng thì bảo sang Cục Thi hành án, khi hỏi Cục Thi hành án thì bảo sang ngân hàng. Cuối cùng gia đình tôi không được trả nợ theo đúng quy định mà bỗng dưng mất đất, bên cạnh đó cũng không nhận được thông báo nào về việc đất của mình bị đem ra bán đấu giá”, bà Lê Thị Đông Xuân nói.
Trước tình trạng này, trong suốt hơn 4 năm qua, ông Nguyễn Hữu Toàn đại diện cho gia đình đã gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.