Cụ thể, theo Sở Y tế TP.HCM, TP đang có bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Cần Giờ để chuyên tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh Covid-19, làm giảm gánh nặng và nguy cơ rất lớn cho các bệnh viện hiện hữu trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó, trong đó, ngành y tế lên kế hoạch có các bệnh viện điều trị Covid-19 với quy mô 5.000 giường. 

Theo đó, khi dịch đã bước sang giai đoạn 2 (giai đoạn đã có ca mắc trong cộng đồng, vẫn trong tầm kiểm soát), ngành y tế phải sẵn sàng khoảng 2.000 giường bệnh chuyên tiếp nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 200 giường hồi sức tích cực, tại các bệnh viện dã chiến Củ Chi và Cần Giờ, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng 2 bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và Nhi Đồng 2; ngoài ra còn có Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sở Y tế đánh giá, trước đó, còn nhiều ý kiến băn khoăn về Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vì đây là một bệnh viện chuyên khoa bệnh phổi và lao. Tuy nhiên, với tình hình bệnh nhân lao cần điều trị nội trú tại bệnh viện giảm rõ rệt, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh phổi không do lao ngày càng tăng cao…thì mô hình bệnh viện "tách đôi" chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là rất khả thi.

Thực hiện mô hình này, một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại, với cổng vào riêng, đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm…và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của một nửa Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyên phục vụ bệnh nhân Covid-19 có thể lên đến 700 giường./.