Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ tính trong ngày  31/3, tại Thanh Hóa đã phát hiện thêm 51 con gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục. Các huyện có số trâu bò mắc bệnh nhiều là: Yên Định 777 con (chiếm hơn 50% tổng đàn); Thị xã Nghi Sơn là 560 con; huyện Nông Cống 184 con... Mặc dù số gia súc mắc bệnh là 1220 con nhưng mới ghi nhận có 37 con chết và tiêu huỷ.

Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hoá cho biết, để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tổ chức thống kê, rà soát tình hình chăn nuôi, tăng cường giám sát phát hiện sớm các hộ gia đình có trâu bò mắc bệnh trên địa bàn để có các biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm…

Ông Tống Văn Giáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Thanh Hoá cho hay, do địa phương có tổng đàn chăn nuôi nông hộ lớn, vì vậy, việc chăn nuôi an toàn tại các hộ dân còn hạn chế.

“Để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao, các địa phương phải rà soát chính xác tổng đàn, phát hiện kịp thời gia súc ốm để có biện pháp xử lý; tiến hành tiêm phòng vaccine cho đàn trâu bò; sử dụng hoá chất tiêu diệt véctơ truyền bệnh, phun tiêu độc khử trùng; trâu bò trong vùng dịch là phải cách ly, nuôi nhốt, đảm bảo mần bệnh không lây lan và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học… với phương châm, “hộ giữ hộ, thôn giữ thôn, xã giữ xã”, ông Tống Văn Giáp nói.

Bên cạnh đó, ngành chức năng ở Thanh Hóa cũng nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên địa bàn xã có dịch trong thời gian có dịch; Duy trì các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn xã với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ... trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa trâu bò; sản phẩm trâu, bò ra ngoài vùng dịch; ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch./.