Tại cuộc họp diễn ra sáng nay (12/6) ở Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các địa phương cần chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn trên cả tuyến biển và đất liền và miền núi.
Chủ động phương án ứng phó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc kêu gọi tàu thuyền di dời khỏi vùng nguy hiểm nơi áp thấp nhiệt đới đi qua; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đến sáng nay, các lực lượng biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732 phương tiện, với khoảng 226.000 người biết diễn biến để di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 8.000 phương tiện hoạt động trên biển đang trong vùng nguy hiểm. "Còn nhiều tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm. Sau cuộc họp đề nghị Bộ đội biên phòng tiếp tục phát cảnh báo thông báo và nắm tình hình chắc tình hình tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm. Nếu theo dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào nay thì tình hình tàu thuyền cần phải đặc biệt lưu ý", Đại tá Trần Thế Hiền - Trưởng phòng phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lưu ý.
Thứ hai là các lồng bè nuôi trồng thủy sản của các địa phương, lần này bão hình thành ngay trên Biển Đông rất phức tạp nên lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa phương nếu có thể quyết liệt trong chiều nay xem xét di dời các lồng bè ở những địa phương dự báo trong tâm bão. Phía Ủy ban sẵn sàng lực lượng, nhất là lực lượng trên biển sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian dự kiến áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão đi vào đất liền khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ vào rạng sáng ngày mai (13/6). Các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Thanh Hóa sẽ là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp. Với hoàn lưu và phạm vi hoạt động rộng nên các địa phương ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn từ 150mm đến 200mm, cá biệt có nơi lên đến 300mm.
Đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tình trạng ngập úng ở đồng bằng và đô thị, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở miền núi.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, áp thấp nhiệt đới lần này hình thành ngay trên Biển Đông nên nguy cơ rủi ro rất cao với phạm vi ảnh hưởng rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đây là khu vực có nhiều tàu thuyền đang hoạt động, các hoạt động kinh tế ven biển cũng rất lớn.
Theo dự báo, mưa xảy ra trên diện rộng và rất lớn, tại khu vực miền núi trong những ngày qua có nơi mưa lên đến gần 200 mm đã và đang có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Nếu tăng cường thêm lượng mưa lớn của bão thì cả tuyến biển, trên đồng bằng và miền núi nguy cơ rủi ro rất cao.
Do đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật diễn biến nhanh cung cấp kịp thời cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương chủ động các phương án ứng phó.
Đối với khu vực đồng bằng, các địa phương chủ động tiêu thoát nước, đặc biệt lưu ý tình trạng ngập úng ở đồng bằng và đô thị, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở miền núi. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống Covid 19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực cần tổ chức sơ tán dân vùng nguy cơ cao.
"Chúng ta biết rõ có những tàu thuyền nào, đang ở vị trí nào trong vùng nguy hiểm. Đề nghị các đồng chí cùng với các bộ phận chức năng, nhất là biên phòng gọi điện trực tiếp cho các chủ tàu thuyền. Thứ hai phải thông tin ngay Bộ Giao thông để hướng dẫn các tàu hàng hải hoạt động khu vực này để đảm bảo việc neo đậu, tránh tình trạng chủ quan, chỉ gió cấp 7 cấp 8 nhưng dông lốc trong bão có thể lớn hơn gây thiệt hại đáng tiếc", ông Hoài nói.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng bắn pháo hiệu vào tối nay để thông báo cho tàu thuyền. Bão có thể không lớn nhưng tránh tâm lý chủ quan và những rủi ro trên biển vì vậy công tác cứu hộ cứu nạn phải sẵn sàng phương tiện.
Phòng, chống ngập lụt, úng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; Chủ tịch, giám đốc các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải;
Giám đốc các Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 1, 2, 3, 4, 5; Các Giám đốc Ban Quản lý dự án các tỉnh đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa từ nguồn vốn vay WB8 và vốn hỗ trợ khẩn cấp chủ động phòng, chống ngập lụt, úng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đề phòng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Yêu cầu bảo vệ an toàn công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vừa nêu chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.
Khoanh vùng cụ thể diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng, cần đặc biệt lưu ý giải pháp bảo vệ cho các khu vực lúa mới gieo sạ; các vùng đang kỳ thu hoạch cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo phương châm “xanh nhà, hơn già đồng”.
Khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước phục vụ sản xuất và dân sinh, đồng thời xem xét tích trữ nước để phục vụ sản xuất lúa Hè Thu, Mùa nếu điều kiện cho phép. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, lưu ý các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập; đặc biệt quan tâm an toàn của các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp; các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để có phương án vận hành phù hợp. Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng của Tổng cục Thuỷ lợi./.