Được xem là thủ phủ “hành tím” của cả nước, hàng năm, thị xã Vĩnh Châu luôn có trên dưới 6.000 ha diện tích hành tím được gieo trồng, với sản lượng cho từ 100.000 – 120.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có số lượng người mù cao của tỉnh Sóc Trăng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt, đời sống hằng ngày của bà con cũng như là gánh nặng cho xã hội.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu, hiện địa phương có gần 600 người có thị lực dưới 3/10; trong đó, người bị mù lòa hoàn toàn là 294 người, còn lại là do thị lực giảm nặng. Cao nhất là bị viêm loét giác mạc khi có 189 người, tiếp đến là đục thủy tinh thể ở người già có 156 người, số còn lại là do chấn thương mắt và các biến chứng khác. Trong đó, có đến 87% các trường hợp là có thể phòng ngừa hoặc chữa trị được nhưng đã không chủ động phòng ngừa hoặc tích cực điều trị ngay từ đầu. Nhiều trường hợp mắc bệnh sau khi lao động nông nghiệp, có trường hợp không chữa trị đúng cách, kịp thời.
Chị Thái Nghi ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Mắt tôi bị đau lúc được mưới mấy tuổi, mình đi lụm hành tự nhiên nó đỏ. Mình mua thuốc uống hoài mà không hết, khi đi bác sĩ thì nói là mắt bị hư. Đi tới Sóc Trăng rồi thành phố cũng không hết. Nhưng mà người ta nói không có mủ, để như vậy được. Nó chỉ đỏ nên mình tưởng là đỏ bình thường còn đi lụm hành tiếp nữa. Sau này lụm về còn thấy đỏ thì cha mẹ không cho đi lụm nữa, nói là mắt đỏ nghỉ một hai ngày. Đi Sóc Trăng nó còn thây đở đở, bớt đỏ, nhưng bác sĩ nói mắt đã bị hư”.
Nguyên nhân nữa dẫn đến nhiều người bị bệnh về mắt đó là đặc điểm Vĩnh Châu là vùng đất cát ven biển, nhiều gió bụi, nguồn nước sạch sinh hoạt chưa đáp ứng tốt nên tỷ lệ mắc bệnh về mắt luôn chiếm cao.
Ngành y tế địa phương này cũng khẳng định, việc mù lòa của bà con không liên quan đến hành tím mà do nguyên nhân từ sự chủ quan của người dân. Đặc biệt trong lúc lao động, trồng, chăm sóc, chế biến hành tím, và các cây trồng khác bà con không sử dụng bảo hộ lao động, khi có vấn đề về mắt, bà con cũng không được chữa trị kịp thời, đúng cách, hoặc tiếp tục lao động dẫn đến ảnh hưởng thị lực.
Ông Trần Thế Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Thị xã đã có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa viêm loét giác mạc cho bà con nông dân, thông qua việc tập huấn các kiến thức phòng chống viêm loét giác mạc cho y tế xã, phường, ấp. Hướng dẫn bà con nông dân làm việc tại cơ sở lao động tập trung các biện pháp phòng ngừa viêm loét giác mạc. Đồng thời cũng cung cấp kính, trong năm qua đã cấp 4 nghìn kính bảo hộ lao động và các tài liệu tuyên truyền”.
Với đặc thù của địa phương là vùng đất cát ven biển, nhiều gió bụi, đặc biệt là vùng chuyên canh hành tím lớn nhất cả nước, nghề truyền thống của bà con từ bao đời nay, do vậy, người dân thường xuyên sẽ phải tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, hóa chất, cùng nhiều vấn đề khác, vì vậy, nếu không khắc phục trong sử dụng dụng cụ bảo hộ trong lao động, vấn đề sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về mắt sẽ rất khó giảm./.