Ông Nguyễn Văn Ớt, 65 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, khoảng hơn 1 tháng nay có biểu hiện nhìn mờ, chói mắt, hơi tức ở mắt mà không đau đầu. Ông Ớt cứ nghĩ mình bị kém mắt do tuổi già. Nhưng khi ông Ớt che một mắt để kiểm tra thì thấy mắt phải nhìn kém hơn mắt trái rất nhiều. Đến khám ở BV Mắt T.Ư, bác sĩ bảo ông bị glôcôm góc mở.
Theo Ths, Bs Hoàng Thị Hiền, Khoa Glôcôm, BV Mắt T.Ư, mắt phải bệnh nhân Ớt bị tổn thương vùng nhìn, nhãn áp tăng cao phải dùng thuốc. “Trường hợp của ông Ớt nếu không phát hiện sớm sẽ mờ dần, dẫn đến mù lòa”, Bs Hiền cho biết.
Bệnh nhân Nguyễn Anh Tài, 25 tuổi, ở Hưng Yên, cách đây 4 tháng thấy mắt trái có biểu hiện nhìn mờ và cảm giác nhìn qua màn sương. Xung quanh nhìn tối, không rõ. Lúc nhìn mờ nhất thường đau ở vùng lông mày nhưng hay đau vào buổi sáng, và khi nhìn bóng đèn có quầng màu sắc. Tài đến BV Mắt T.Ư kiểm tra thị lực thì bác sĩ bảo bị glôcôm. Bác sĩ cho dùng thuốc và làm laser nhưng Tài không đáp ứng được thuốc và phải nhập viện chờ mổ. “Bác sĩ bảo, mổ cũng chỉ ổn định nhãn áp và vùng nhìn còn lại, chứ vùng nhìn bị tổn thương rồi thì không thể hồi phục được”, Tài buồn rầu chia sẻ.
Theo Ths, Bs Hoàng Thị Hiền, bệnh glôcôm có nhiều loại, phân loại theo cấu trúc góc đóng và góc mở. Ngoài ra, có bệnh glôcôm thứ phát sau viêm, do dùng thuốc nhóm Corticosteroid…, sau chấn thương và glôcôm bẩm sinh. Bệnh glôcôm góc đóng thường có biểu hiện đau nhức mắt, nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn hoặc buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Khi người bệnh lên cơn rất đau nhức, dân gian thường dùng từ thiên đầu thống (đau như trời đánh) để mô tả bệnh. Bệnh glôcôm giống như bệnh cao huyết áp, không chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị cho bệnh ổn định. Glôcôm góc đóng mạn tính lại có biểu hiện âm thầm. Bệnh glôcôm góc mở thường không có triệu chứng gì đặc hiệu, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt. Bệnh cứ tiến triển âm thầm, làm nhãn áp cao kéo dài, thu hẹp vùng nhìn lại (nhìn khó). Người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (chỉ còn vùng nhìn phía thái dương). Glôcôm thứ phát do thuốc thường gặp trên những bệnh nhân dùng thuốc đường toàn thân kéo dài mà hay gặp là Prednisolon do các bệnh khớp… hoặc do dùng thuốc tra tại chỗ như Polydexa hoặc Dexaclor. Rất nhiều bệnh nhân tự ra nhà thuốc để mua thuốc này về dùng. Hậu quả là có thể mắc bệnh glôcôm hoặc đục thể thủy tinh hoặc mắc cả hai bệnh cùng lúc.
Glôcôm là bệnh lý có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân không thể tự nhận biết được bệnh. Để chẩn đoán cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), kiểm tra thị trường (vùng nhìn) và soi đáy mắt phát hiện tổn thương thị thần kinh…
Bệnh phải điều trị suốt đời
Việc điều trị glôcôm phụ thuộc vào thể bệnh: glôcôm góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị bằng laser, giai đoạn muộn phải phẫu thuật. Còn glôcôm góc mở điều trị ban đầu là thuốc hạ nhãn áp, nếu không đạt yêu cầu phải chuyển điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Nhưng bệnh này, dù điều trị đúng và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ thì bệnh cũng chỉ ổn định được nhãn áp chứ không khỏi được, mà phải theo dõi và điều trị suốt đời. Nếu không tuân thủ, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Cho đến nay chưa có một phương pháp nào giúp phòng bệnh glôcôm hiệu quả. Nhưng tổn hại chức năng thị giác do glôcôm có thể phòng tránh được nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Những người từ 35-40 tuổi hoặc trong gia đình đã có người mắc glôcôm cần khám định kỳ để sàng lọc bệnh. Khi thấy dấu hiệu hơi tức nhẹ mắt hoặc có biểu hiện nhìn như có sương che, nhìn khó… đến cơ sở nhãn khoa chuyên sâu để kịp thời phát hiện và điều trị.
Lưu ý, những trẻ nhỏ khi có hiện tượng chảy nước mắt, sợ ánh sáng, khi nằm hay quay mặt vào tường, muộn hơn nữa là có dấu hiệu lồi mắt trâu do nhãn áp tăng cao (glôcôm bẩm sinh, do rối loạn bất thường trong quá trình mang thai), nên đi khám ở nhãn khoa có phương tiện đo nhãn áp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.