Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ chứa thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện có 20 hồ có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ... Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành thủ tục đầu tư sửa chữa nâng cấp một số hồ xuống cấp.

ho_dap_vov_ontb.jpg
Hồ thủy lợi Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương

9 hồ đập được nâng cấp sửa chữa gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Nam Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi và hồ Ba Cửa. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng phê duyệt dự án nâng cấp sửa chữa hồ Thọ Sơn, thị xã Hương Trà với kinh phí 31,4 tỷ đồng gồm các hạng mục: nâng cấp đập chính, sửa chữa tràn xả lũ và đường quản lý, nâng cấp hệ thống kênh tưới.

Trước mùa mưa bão 2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các ngành chức năng cập nhật, bổ sung phương án cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du, phương án đảm bảo an toàn hạ du và phương án cứu hộ, ứng cứu qua các ngầm tràn nếu bị lũ chia cắt...

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh ThừaThiên-Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thị xã, các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa để cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế tối đa thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

“Tất cả các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đã có những phương án phòng chống bão lũ ở tại hồ cũng như ở tại khu vực hạ du. Hiện nay, tất cả hệ thống hồ đập trên địa bàn đều sẵn sàng ứng phó với mùa mưa lũ năm 2018.

Tuy nhiên thiên tai, thời tiết và những sự cố bất thường của thiên nhiên thì không thể chủ quan. Tỉnh đã chỉ đạo các chủ hộ hồ chủ đập cùng với các địa phương rà soát rất kỹ và có phương án diễn tập để sẵn sàng ứng phó với những phương án xấu nhất trong mọi tình huống thời tiết có thể xảy ra”, ông Ngọc Thọ nói./.