Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xảy ra các trận động đất với tần suất dày đặc. Chỉ tính riêng trong tháng 12 này đã xảy ra 6 trận động đất. Dù cường độ không lớn, chưa gây thiệt hại nào về người và tài sản nhưng hiện tượng này khiến người dân huyện vùng cao A Lưới thấp thỏm, lo âu.

Trận động đất xảy ra gần đây nhất tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vào lúc 23h tối 25/12, cường độ 3,2 độ richter với độ sâu chấn tiêu 11km. Theo một số người dân, trận động đất này gây ra rung chấn nhỏ ở các khu vực lân cận huyện A Lưới và cả thành phố Huế. Đây là trận động đất thứ 6 xảy ra trong tháng 12/2015 tại khu vực này.

dong_dat_uaby.jpg

Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Lê Văn Thiếu, ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho hay, các trận động đất làm nhiều ngôi nhà trong xã rung lắc, nứt nẻ, trong đó trận động đất 3,4 độ richter xảy ra tối 22/12 làm nhà ông nứt một mảng tường dài  hơn 2 mét.

“Lúc đó, chúng tôi đang ăn cơm tự nhiên đùng một cái mọi người giật mình, con cháu tui bỏ cơm mà chạy. Nó rung rung sợ sập nhà sập cửa”- ông Lê Văn Thiếu nói.

Còn ông A Moong Tỵ ở thôn Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Động đất xảy ra liên tục trong thời gian qua khiến người dân ở đây hoang mang lo sợ. Bà con mong muốn có câu trả lời chính thức về nguyên nhân gây nên các trận động đất giúp bà con ổn định cuộc sống.

Hiện nay, ở huyện A Lưới động đất xảy ra thường xuyên, mấy nhà xây bị rạn nứt chi đó rồi mà lúc rung lắc nếu mà có con nhỏ rất là nguy hiểm. Nếu nhà kiên cố thì yên tâm còn nhà tạm thì rất là nguy hiểm.

Trước những trận động đất xảy ra liên tiếp ở huyện miền núi A Lưới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất ở khu vực này, sớm có kết quả và công bố rộng rãi đến người dân. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có công văn gửi các nhà máy thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, hồ chứa Tả Trạch phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành liên quan để nghiên cứu, lắp đặt máy quan trắc động đất tại các hồ chứa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua khiến người dân rất bất an. Trong thời gian qua, bà con hết sức lo lắng, hoang mang. Hiện nay, vẫn chưa có lời giải thích cụ thể liên quan đến động đất, nên về phía địa phương cũng hết sức khó khăn trong công tác tuyên truyền. Địa phương cũng trấn an bà con yên tâm sản xuất, công tác và sinh sống. Mong rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có câu trả lời để bà con yên tâm hơn.

Kể từ tháng 5/2014 đến nay, tại huyện A Lưới và vùng phía Tây thị xã Hương Trà giáp với A Lưới đã  xảy ra 16 trận động đất, trong đó trận động đất mạnh nhất xảy ra vào ngày 15/5/2014 với cường độ 4,7 độ Richter. Người dân địa phương cho biết, kể từ khi công trình thủy điện A Lưới xây dựng trên sông A Sáp với dung tích hồ chứa 60 triệu mđi vào hoạt động thì động đất bắt đầu xuất hiện ngày càng tăng. Viện Vật lý địa cầu cũng đã cử đoàn lên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để nghiên cứu. Kết quả bước đầu cho thấy, các trận động đất ở huyện A Lưới có đặc điểm là chấn tâm nằm rất gần nhau. Nguyên nhân có thể do khu vực này nằm trên đường đứt gãy kiến tạo của vỏ Trái Đất đang hoạt động hoặc do động đất kích thích từ tích nước hồ thủy điện A Lưới.

Tiến sĩ Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Việc xây dựng các đập mà đi ngang qua các khu vực có đứt gãy kiến tạo đang hoạt động thì chắc chắn là phải tính đến ảnh hưởng, một trong những ảnh hưởng như chúng ta biết người ta gọi là động đất kích thích. Vì có xây dựng các hồ chứa khi chúng ta tích nước trên các hồ chứa thì lẽ ra nó chưa giải phóng năng lượng đàn hồi để tạo ra động đất thì bây giờ do tích nước nên thì nó sẽ làm cho giải phóng năng lượng đó sớm hơn./.