Đến trưa nay (28/3), lũ trái mùa vẫn còn nhấn chìm các xã vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đợt lũ bất thường cộng với việc thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ xả lũ gây ngập nhiều diện tích.
Tại huyện Quảng Điền, gần 1000 hecta lúa đông xuân và rau màu các loại vẫn còn ngập sâu trong lũ. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, còn lạc thì đang trổ hoa gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Theo ông Lê Thơm, một người dân ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, nếu nước không rút nhanh thì toàn bộ diện tích lúa và lạc bị ngập coi như mất trắng.
Tính đến trưa nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn hơn 1.500 hecta lúa đông xuân, hơn 200 hecta hoa màu ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc…vẫn còn ngập sâu trong lũ.
Trước diễn biến phức tạp của lũ trái mùa, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các địa phương triển khai tích cực chống úng và hướng dẫn bà con thu hoạch nhanh các sản phẩm rau màu nhằm hạn chế thiệt hại.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huễ cho biết, mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng khiến công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Do hệ thống đê bao thấp chưa được kiên cố, các cống thoát trên đê nhỏ và khẩu độ không đủ lớn; do tác động của triều cường cho nên hiện nay vấn đề đấu úng gặp rất nhiều khó khăn phải chờ đợi nước rút mới có khả năng đấu úng được. Ngoài ra có một số tuyến đê bị vỡ, thiệt hại trong đợt lũ này tương đối lớn.
** Còn tại Quảng Ngãi, lũ lớn bất thường ngay đầu mùa cũng đã gây sạt lở và ách tắc hàng loạt tuyến giao thông ở các huyện miền núi trong tỉnh. Việc khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở hết sức khó khăn do khối lượng đất đá đổ xuống đường rất lớn.
Chiều 27/3, lũ lớn đã gây xói lở một cây cầu trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, đoạn qua địa bàn xã Ba Liên, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Vị trí xói lở ăn sâu vào trong chân cầu, dẫn đến nguy cơ sập cầu.
Ông Thới Xuân Sơn, Phó Chủ tịch HĐND xã Ba Liên, huyện Ba Tơ cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân chính quyền địa phương, huyện Ba Tơ đã huy động lực lượng rào chắn, hướng dẫn phương tiện đi đường vòng. Nếu mưa lớn dân quân, công an và cán bộ ở địa phương túc trực 24/24 đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Tuyến độc đạo từ xã Ba Bích đi xã Ba Nam, huyện Ba Tơ cũng bị sạt lở nặng. Hiện có đến 37 điểm sạt lở trên tuyến với khối lượng đất đá đổ xuống đường hơn 60.000 m3 gây cô lập hơn 1.000 người dân ở khu vực này. Mọi phương tiện ô tô, xe máy đều không thể qua lại.
Đến trưa nay, đường từ trung tâm huyện Ba Tơ đi các xã Ba Bích, Ba Nam, Ba Trang, Ba Điền vẫn còn bị chia cắt do sạt lở núi. Hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống mặt đường nên không thể khắc phục bằng thủ công mà phải chờ xe cơ giới hốt dọn mới có thể thông tuyến trở lại.
Theo ông Huỳnh Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, trước mắt huyện chỉ đạo Ban quản lý dự án, Phòng kinh tế hạ tầng đánh giá khối lượng và khẩn trương đưa cơ giới thiết bị đến để vừa thiết kế vừa thi công, khắc phục tạm thời cho người dân đi lại. Về lâu dài, huyện sẽ đề nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ để địa phương khắc phục toàn tuyến./.