Theo quy định của Luật Hộ tịch, kể từ ngày 1/1/2016, ngoài việc được cấp giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh còn được cấp số định danh cá nhân. Đây cũng chính là số thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 14 tuổi.
Là một trong 4 địa phương thí điểm cấp số định danh cá nhân khi đăng kí khai sinh, tại Hà Nội, mặc dù có một số khó khăn ở thời gian đầu thực hiện, song về cơ bản, Luật Hộ tịch đã tạo ra sự thông thoáng về quy trình, thủ tục làm giấy khai sinh, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần cải cách hành chính.
Khoảng 9h sáng, nhiều người dân đến Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đăng kí khai sinh cho con, cháu mình. Bà Nguyễn Thị Lan đi đăng kí khai sinh cho cháu nội thứ 2. Theo Luật Hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, bà Lan không cảm thấy lúng túng và chờ đợi lâu như lần làm giấy khai sinh cho cháu thứ nhất nữa do các thủ tục liên quan đã giảm đi.
Người dân đến đăng kí khai sinh cho trẻ em |
Nếu theo quy định cũ, bà sẽ phải về nơi cư trú của con dâu là huyện Đại Từ, Thái Nguyên để đăng kí khai sinh cho cháu nội mình. Song Luật Hộ tịch đã mở rộng theo hướng Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú của người mẹ và người cha đều có thẩm quyền đăng ký khai sinh. Nhờ đó, bà không phải đi lại mất thời gian.
Bà Nguyễn Thị Lan nói: “Chỉ riêng việc làm khai sinh xong có giấy khai sinh, mới lên công an, đem thủ tục đến để nhập hộ khẩu cho các cháu thì không những làm một lần mà phải vài ba buổi, đi lại, gây bức xúc và tốn kém thời gian cho dân. Thế nhưng, lần này thủ tục hành chính như thế này thì rất ngắn gọn, dân không mất nhiều thời gian. Giấy hẹn trả kết quả rất nhanh, tôi đi nộp hồ sơ lúc 8h55’, đến 16 h đã nhận được kết quả mà tôi đi khai sinh cho cháu”.
Đến thời điểm này, bộ phận một cửa của phường Vĩnh Tuy đã tiếp nhận 32 lượt hồ sơ liên quan đến hộ tịch, trong đó có 15 hồ sơ đăng kí khai sinh cho trẻ. Theo biểu mẫu và quy trình, người dân sẽ làm thủ tục đăng kí khai sinh với cán bộ tư pháp chỉ mất từ 5 đến 10 phút.
Nếu chuẩn bị tốt về phần mềm và biểu mẫu liên quan sẽ là bước cải cách lớn thủ tục về hộ tịch. Tuy nhiên, trong mấy ngày đầu thực hiện đăng kí khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ cũng không tránh khỏi trục trặc như thiếu biểu mẫu khai sinh, chưa có tài khoản để cấp số định danh cho trẻ hoặc hệ thống phần mềm không kết nối được. Việc thực hiện thao tác cấp số định danh cá nhân cho trẻ còn bỡ ngỡ và gặp khó khăn đối với cán bộ làm công tác tư pháp- hộ tịch.
Bà Trần Thị Minh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi được biết là hiện nay, thành phố đã có chủ trương, kế hoạch kí hợp đồng với nhà mạng để đảm bảo cho đường truyền cấp quang phải thông suốt, không bị lỗi mạng.
Hiện nay, chúng tôi đang dùng đường truyền này thì đôi lúc cũng bị mất mạng. Để thực hiện Luật Hộ tịch mới mà để mất mạng là bị tê liệt, không thể giải quyết hồ sơ cho dân. Thứ hai là đối với phần mềm cũng phải thường xuyên có cập nhật đối với cán bộ làm công tác hộ tịch để làm sao phục vụ nhân dân được tốt nhất”.
Việc thí điểm cấp số định danh cá nhân khi đăng kí khai sinh được thực hiện tại 4 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM cho đến tháng 3/2016. Trên cơ sở kết quả thí điểm, nâng cấp hạ tầng cơ sở kĩ thuật công nghệ thông tin tại Bộ Tư pháp và sự ổn định về kĩ thuật cấp số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, đối với 59 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ nghiên cứu triển khai trong thời gian tới theo đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch- Quốc tịch- Chứng thực- Bộ Tư pháp cho biết: Việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ góp phần cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.
Những quy định về cải cách thủ tục hành chính trong việc đăng kí hộ tịch đối với người dân đặc biệt là giấy khai sinh có rất nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt là đăng kí khai sinh có rất nhiều điểm tiến bộ. Trong thủ tục đăng kí khai sinh người dân chỉ nộp duy nhất giấy chứng sinh và xuất trình giấy tờ theo quy định, ngoài ra không cần có thêm giấy tờ gì nữa.
Đến ngày 1/1/2020, với việc cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong, Luật Hộ tịch và Luật căn cước công dân được thực thi đầy đủ, người dân dưới 14 tuổi chỉ cần xuất trình giấy khai sinh, từ 14 tuổi trở lên chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân hoặc chỉ cần khai báo số định danh cá nhân là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính cần thiết cho mình, không cần phải sao y nhiều giấy tờ như hiện nay. Khi đó, việc quản lý cư dân sẽ hoàn toàn được số hóa, hiện đại hơn, góp phần giảm bớt giấy tờ và thời gian đi lại cho người dân./.