Tổ công tác củ dự án thu phí tự động không dừng (ETC)gồm 20 thành viên do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm tổ trưởng, 3 tổ phó là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư và Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.
Sau nhiều lần trì hoãn và gia hạn, đến nay, tiến độ tổng thể của hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) ở các trạm thu phí BOT vẫn chậm so với yêu cầu. |
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện dự án thu phí tự động không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông toàn hệ thống.
Nhiệm vụ các thành viên do tổ trưởng tổ công tác phân công. Hoạt động của tổ công tác không thay thế chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia các dự án thu phí tự động không dừng.
Hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng đối với QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.036 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong 44 trạm có 5 trạm do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng). Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.
Đến nay, đã lắp đặt, vận hành từ 2-4 làn ETC tại 40 trạm. Tuy nhiên, 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam quản lý chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị, 4 tuyến còn lại chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn.
Thu phí tự động không dừng (ETC) giảm ùn tắc, hạn chế dịch Covid-19
Đối với dự án giai đoạn 2, gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn liên danh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 đến nay, liên danh này do nhiều vướng mắc nên chưa thành lập được doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo. Hiện nay liên danh nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng toàn bộ việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, bao gồm phương án tổng thể triển khai thu phí tự động không dừng với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, lộ trình triển khai thời gian tới./.