Chiều nay (12/8), Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM có buổi giám sát về tình hình thực hiện Luật Thi hành án dân sự tại thành phố.
Trong 5 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự, TP HCM đã thi hành xong gần 235.000 vụ việc với hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trên 860 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác thực hiện luật này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, hàng năm còn hàng chục ngàn vụ việc chưa thi hành xong.
Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chưa xác định hoạt động thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, tạo sự tách rời giữa hoạt động xét xử và thi hành án. Do đó, có nhiều vụ việc cơ quan đã hoặc đang thi hành thì tòa tiếp tục xét xử lại, dẫn đến kéo dài chưa giải quyết dứt điểm.
Luật quy định quyền, trách nhiệm của các đương sự chưa rõ ràng, cụ thể mà ghi rải rác ở nhiều điều luật nên rất khó thực hiện. Luật còn không quy định rõ quyền lợi của người được thi hành án mà có hiện tượng bảo vệ quyền lợi của người phải thi hành án.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục thi hành án còn nhiều bất cập và Luật Thi hành án năm 2008 còn mâu thuẫn với với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, gây khó khăn cho quá trình thi hành án.
Qua đó, nhiều ý kiến đề xuất Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự phải nâng cao vai trò trách nhiệm của Tòa án, Viện Kiểm sát trong hoạt động thi hành án dân sự để thực hiện các phán quyết; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các đương sự.
Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP HCM kiến nghị: “Phải xác định thi hành án là giai đoạn cưỡng chế, dùng quyền lực Nhà nước để buộc các đương sự thực hiện các bản án. Do vậy quyền của người phải thi hành án cần hạn chế để tránh trường hợp lợi dụng kéo dài, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động thi hành án. Đề nghị có cơ chế đảm bảo an toàn và tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các chấp hành viên hoạt động”./.