Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành, trong việc thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

 Báo cáo của một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 30 em so với quý 1 năm 2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Tổng đài 111 đã kết nối với các địa phương cũng như là các cơ quan chức năng, để hỗ trợ và can thiệp cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua môi trường mạng.

"Ngoài ra, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, rồi các kênh của cá nhân vi phạm đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của của trẻ em, thì Tổng đài 111 cũng đã có các cuộc gọi đến phản ánh về các kênh, các clip mà vi phạm cũng như xâm hại trẻ em trên môi trường mạng", bà Nga nói.

Tổ chức Plan International tại Việt Nam (cũng là 1 trong các thành viên của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng) thường xuyên tiếp nhận được các phản ánh về vấn đề mất an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trong đó có cả trường hợp, nạn nhân là trẻ em gái bị “đánh cắp” hình ảnh, đăng tải lên các group - nhóm kín, kèm theo số điện thoại của nạn nhân (khi kẻ phát tán hình ảnh lấy được từ mạng xã hội của nạn nhân).

Một em gái giấu tên bị quấy rối bởi các số điện thoại lạ, kể lại: "Hình ảnh của em được phát tán trong một group - nhóm kín trên nền tảng Telegram, mà xong rồi cái group đó có đến hơn 120.000 người. Trong đấy, thì người phát tán hình ảnh của em nói kiểu rất là gây xúc phạm, xong rồi một loạt những người bên dưới thì nói là: có thêm hình ảnh không, rồi bịa đặt hoàn toàn là gạ gẫm hai tuần mới được, rồi còn những câu nói rất là tục tĩu, gây shock.

Hầu hết trong group đấy toàn là con trai, mà rất nhiều người dùng nick ẩn danh. Lúc đầu thì em nghĩ là xóa được rồi thì cũng không muốn làm to chuyện làm gì. Nhưng em nghĩ đây không chỉ dừng lại ở việc phát tán hình ảnh trái phép, mà gần như là kiểu quấy rối tình dục. Do đó, em quyết định đăng toàn bộ sự việc lên trang cá nhân của em. Sau khi em đăng lên thì kẻ phát tán kia mới xóa hình ảnh của em trong group đấy. Mà kể cả trong cái group em phát hiện ra, thì ngay sau hình ảnh của em cũng là hình ảnh của những người khác, với những nội dung y hệt mà người đấy lại tiếp tục phát tán".

Theo nhận định của Chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi, đây chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp các em gái khi đăng ảnh trên mạng xã hội (facebook, Instagram,…) bị những kẻ “ẩn danh” lấy cắp, rồi đăng vào những nhóm kín, hoặc những trang web đen. Nhiều nạn nhân sau đó bị gọi điện thoại, quấy rối, thậm chí có nạn nhân bị xâm hại tình dục, mà không biết rằng khi tự cung cấp quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có thể đem lại sự nguy hiểm cho chính bản thân. Bởi khi sử dụng Internet càng lâu, các mạng xã hội càng gợi ý nhiều hình ảnh, clip về sở thích, thói quen của người dùng.

"Bạn sử dụng mạng xã hội càng lâu thì những thông tin để vẽ lại chân dung về thói quen về sở thích của bạn càng rõ ràng. Vì đó là big data, tức là cơ sở dữ liệu lớn mà những đơn vị vận hành các mạng xã hội đấy có thể thu thập qua từng ngày, từng giờ, xử lý và phân tích và tạo thành các data - dữ liệu", ông Khôi cho biết.

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới đây đã ra mắt trang web vn-cop.vn, với nhiều tính năng góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Ví dụ "Tài liệu" là nơi trang web cung cấp các ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hoặc các tính năng khác như "Hỏi đáp", "Bày tỏ nguyện vọng" để trẻ em và người sử dụng có thể đặt câu hỏi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về vấn đề để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cơ quan điều phối Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã thử nghiệm tính năng “Công cụ” và “Báo cáo xâm hại”. Với tính năng “Công cụ”, người sử dụng chỉ cần nhập đường link của trang web rồi Gửi yêu cầu, thì có thể Kiểm tra website an toàn cho trẻ em.

Còn với tính năng “Báo cáo xâm hại”, nếu có trường hợp xâm hại trẻ, hay hành vi bạo hành, quấy rối, lừa đảo, các link trang web xấu, group độc hại, bắt nạt trẻ em…thì bất cứ ai (kể cả trẻ em) cũng có thể gửi báo cáo. Cùng với ứng dụng Tổng đài 111, hoặc đường dây nóng 111, thì vn-cop.vn cũng sẽ là một trong những địa chỉ an toàn, cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích, giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng./.