Trong buổi họp báo thông báo công tác tư pháp quý II và kết quả 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Tư pháp, sáng 26/7, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ đang khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị các dự án Luật trình Quốc hội và Đề án trình Thủ tướng Chính phủ gồm 4 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng; Dự án Luật Hộ tịch và Đề án thí điểm thực hiện cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Điểm đáng quan tâm nhất là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 sẽ nêu vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính, đề xuất bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5, Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Tuy nhiên, kế thừa quy định về kết hôn được hiểu là “việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hơn” (khoản 2, Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình), Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng quy định việc giải quyết hậu quả chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính thì được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam, nữ sống chung như vợ chồng.
Làm rõ vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ - Tổ trưởng Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cho biết, Luật hiện hành là “cấm” kết hôn giữa những người đồng tính. Tuy nhiên trong sửa đổi lần này sẽ thay việc “cấm” bằng “không thừa nhận”. “Đây là một sự thay đổi lớn, dù bản chất của sự việc vẫn không thay đổi” – ông Huệ nhấn mạnh.
Theo ông Huệ, hiện nay trên thế giới mới chỉ có 11 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới và tại châu Á hiện nay chưa có một quốc gia nào thừa nhận. “Đây là một vấn đề phức tạp”, ông Huệ nói.
“Việc sửa đổi vấn đề này nhằm tránh việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, không thừa nhận kết hôn đồng tính nhưng chúng ta phải có cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này”, ông Huệ phân tích thêm.
Bên cạnh đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng sẽ đề xuất bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên cơ sở quy định chặt chẽ, cụ thể về người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên; trách nhiệm pháp lý (dân sự, hành chính, hình sự) của các bên…
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng nêu bật những kết quả đạt được trong công tác 6 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm, trong đó nổi bật là công tác triển khai thực hiện luật xử lý vi phạm hành chính; Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát thủ tịch hành chính…/.