Cần nghiên cứu nghiêm túc và bài bản

Vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Mặc dù trong xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về người đồng tính, tuy nhiên rất nhiều ý kiến vẫn chưa chấp nhận việc kết hôn giữa họ.

Tại Hội nghị trực tuyến với 62 tỉnh thành về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2000 tổ chức ngày 16/4 bàn đến nhiều vấn đề pháp lý trong Luật HN&GĐ như mang thai hộ, độ tuổi kết hôn giữa nam và nữ… trong đó, vấn đề pháp lý cho phép hay ngăn cấm việc kết hôn đồng giới được các đại biểu hết sức quan tâm.

dong-tinh-2.jpg
Một đám cưới của người đồng tính ở TP HCM (Ảnh: Người lao động)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết trong thời gian qua, nhiều người đồng tính đã ở tình trạng bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình. Trong khi đó pháp luật Việt Nam nói chung và Luật HN&GĐ nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính.

Tại Khoản 5 Điều 10 Luật HN&GĐ quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Việc sử dụng quy phạm “cấm” việc kết hôn giữa những người cùng giới tính dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính. Trên thực tế, một số cơ quan thi hành pháp luật ở một số địa phương và một bộ phận xã hội đã lấy quy định tại khoản 5 Điều 10 để giải thích cho những ứng xử có tính chất kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới trong HN&GĐ...

Qua tổng kết thi hành nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, việc thừa nhận cũng là tự nhiên, không nên ngăn cấm. Cùng với sự phát triển về kinh tế, nhận thức của xã hội thì hợp thức hóa hôn nhân giữa những người cùng giới đã trở thành vấn đề thời sự.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, từ thực tế này đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản về quyền của người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới trong HN&GĐ, đảm bảo tính nhân bản, công bằng và bình đẳng trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình.

Cấm hay không cấm?

Trăn trở về quan điểm nên hay không nên công nhận hôn nhân đồng tính, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng hiện nay có 3 luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất, trong giai đoạn hiện nay chưa nên thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính vì theo quan niệm truyền thống của Việt Nam quan hệ vợ chồng phải là quan hệ tình cảm giữa hai người, giữa hai giới là nam và nữ. Quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, do đó không thể một sớm một chiều có thể thay đổi được.

Thứ hai, lịch sử luật pháp về hôn nhân và gia đình của Việt Nam từ xưa đến nay, kết hôn là liên kết giữa hai người khác giới nhằm xây dựng gia đình, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Thứ ba, vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm nên cần phải nghiên cứu một cách công phu, bài bản, cần cân nhắc mọi khía cạnh, mọi hậu quả phát sinh và phải có lộ trình và bước đi phù hợp, trong quá trình quốc tế và trong nước hiện nay.

Theo ông Huệ, bước đi phù hợp nhất của pháp luật Việt Nam là không cấm và cũng không can thiệp hành vi thô bạo về vấn đề chung sống của người đồng tính, nhưng đồng thời có các quy định tạo cơ sở pháp lý cho việc sống chung cũng như giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống của họ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đây là một nhu cầu thực tế nên nhà nước cần tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Song cũng có ý kiến phản đối vì cho rằng quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội cũng như quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự -Kinh tế Dương Đăng Huệ đưa ra 3 phương án: “Phương án một, không quy định cấm như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính; không can thiệp hành vi một cách thô bạo vào việc sống chung của những người này; quy định về quyền và nghĩa vụ giữa những người cùng giới tính trong quan hệ sống như vợ chồng. Phương án hai thừa nhận hôn nhân đồng tính. Phương án ba là giữ nguyên quy định như hiện hành”./.