Hưởng ứng Tháng Thanh niên, trung tuần tháng 3/2012, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Điện Biên đã tổ chức đối thoại “Thanh niên Điện Biên với chương trình xây dựng nông thôn mới”. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của thanh niên tỉnh Điện Biên về vấn đề đang được cả nước quan tâm đặc biệt, nên đã thu hút đông đảo thanh niên các giới trong tỉnh tham gia, cũng như sự có mặt của các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết tỉnh đã có những bước tiến khá toàn diện và bền vững, nhất là cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất và thay đổi bộ mặt nông thôn, song chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Điện Biên là tỉnh miền núi thuần nông có tiềm năng về đất và rừng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn rất nhiều hạn chế, đội ngũ trí thức mỏng, trong khi thanh niên độ tuổi 16-30 chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh và chiếm trên 70% ở khu vực nông thôn. Vì vậy, Tỉnh ủy đã định ra 8 chương trình hành động, trong đó có các nghị quyết về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp… xác định rất rõ vai trò của Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ.
Ông Thanh Tùng yêu cầu thanh niên phải năng động, không ỷ lại, trông chờ cơ quan thú y trong việc phát triển chăn nuôi có nhiều lợi thế ở Điện Biên, nhắc nhở thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng cần biết lựa chọn việc làm phù hợp điều kiện và hoàn cảnh ở địa phương, tránh tự đẩy mình vào tình trạng “thất nghiệp” ảo. Hiện có không ít thanh niên nông thôn xách cuốc xẻng ra thành phố chờ đợi làm thuê, trong khi công ty cao su ổn định lương tháng 1,5 -4 triệu đồng lại không tuyển được lao động thanh niên.
Anh Lò Xuân Nam, ủy viên BCH.TƯ Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho rằng, cần phải cải tổ lại các hoạt động của Đoàn một cách tích cực, xông xáo, lôi kéo đông đảo đoàn viên và thanh niên tham gia, từ đó hoạt động của Đoàn mới mang lại lợi ích thiết thực, nhất là mới có được ý kiến phản biện với Đảng.
Trả lời câu hỏi của nhiều bạn trẻ quan tâm, là điều kiện nào mang tính quyết định đến xây dựng nông thôn mới, GS.TS Trần Chí Dõi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi và lưu vực sông Hồng, thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, khẳng định giáo dục và được đào tạo nghề không chỉ là tiêu chí mà còn là động lực để nông thôn phát triển.
Theo GS Dõi, thanh niên nông thôn Điện Biên cần phải học ít nhất đạt trình độ PTTH, học nghề, giỏi tiếng Việt và giỏi cả tiếng đồng bào các dân tộc, thì mới mang được kiến thức vào xây dựng nông thôn mới. Ông đề nghị Đoàn và ngành giáo dục tỉnh gấp rút xóa bỏ tình trạng tỉnh có đến 35% thanh niên bỏ học và mù chữ, và ở nông thôn con số đó là 45%.
Anh Lò Văn Đức, Bí thư huyện Đoàn Tủa Chùa, bày tỏ sự lúng túng của tổ chức Đoàn trong việc phát huy lợi thế vùng đối với các cây, con đặc sản ở địa phương mình, là cây chè tuyết Shan, giống gà đen, dê.
Anh Đức cho biết, mặc dù đã được tỉnh đầu tư giống và kỹ thuật, nhưng bà con vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu cũ, chỉ quan tâm đến thu hái, thiếu chăm sóc chu đáo.
Đối thoại về vấn đề này, ông Hoàng Văn Nhân, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói rõ từ hai năm nay tỉnh đã phê duyệt cơ chế, chính sách phát triển cây chè tuyết Shan đặc sản ở 4 xã trong huyện Tủa Chùa. Song, do công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn, trong đó vai trò xung kích của Đoàn thanh niên còn khá mờ nhạt, nên cho đến nay người dân vẫn hiểu cây chè đặc sản là của nhà nước, của doanh nghiệp, không phải của mình.
Có một thực tế là vẫn còn một số đoàn viên thanh niên chưa hiểu thế nào là xây dựng nông thôn mới, hoặc vẫn coi đó là trách nhiệm, là phần việc của Đảng và chính quyền. Điều này phản ánh rõ vừa qua chưa có sự gắn kết hiệp đồng giữa Đoàn với ngành nông nghiệp-nông thôn, chưa có hoạt động cụ thể, chưa có phối hợp thường xuyên, nên hiệu quả không có hoặc không cao./.