Đến 14h ngày 28/10, tại nhiều khu vực ở tỉnh Thanh Hóa như ở huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nghi Lộc… có mưa to đến rất to, gió giật mạnh dần lên cấp 7 - cấp 8, biển động dữ dội.

Gần 120.000 dân sống ở khu vực mép nước ở 6 huyện và thị xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa được di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh công tác di dân, các địa phương cũng tập trung thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để phòng chống bão, lụt; tập trung chằng, chống nhà cửa, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, trạm xá, kiểm tra, tuần tra, hộ đê, xử lý có hiệu quả các điểm sạt lở, bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các tuyến đê ven biển của hai huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và triển khai phòng chống cơn bão số 8 tại Thanh Hóa.

 

caoduc.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban PCLB Trung ương, kiểm tra công tác PCLB tại cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh xem xét, rà soát kỹ vấn đề sơ tán dân, nhất là ở những nơi xung yếu, sát mép nước, yêu cầu nghiêm túc chấp hành các công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thu nhận và xử lý các thông tin về cơn bão số 8 để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Tại huyện Hậu Lộc, hơn 10.000 dân đã được di dời trong sáng nay, gần 1700 tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Người dân khu vực ven biển cũng chủ động chằng, chống nhà cửa, di dời người và tài sản vào các khu vực an toàn. Ông Nguyễn Văn Huynh người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc nói: “Ủy ban nhân dân xã với cán bộ thôn xuống thông báo bà con di dân lên trường học, có những đồ gì thu xếp giờ không thế chống được, đồ đạc để lại hết chạy người, giờ gia đình tôi chạy lên trường học với chỗ anh em ở trên đấy”.

10h ngày 28/10, huyện Nga Sơn đã hoàn thành việc di dời 15.000 dân. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện đã yêu cầu sự tham gia của các lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ.

Bão số 8 khi đổ bộ vào đất liền sẽ gây mưa to đến rất to, lượng mưa có khả năng lên tới 200 – 400 mm có nơi lên trên 400 mm. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện miền núi chủ động kiểm tra và triển khai ngay các phương pháp phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đối với các huyện ven biển nhanh chóng di dời dân và đảm bảo cho các hộ dân về nơi an toàn để tránh trú bão và sẵn sàng đối phó khi bão số 8 đổ bộ

Cũng trong sáng nay, lực lượng Hải quân Việt nam đã cho tàu HQ 452 và xuồng 1163 thuộc Vùng 1 Hải quân cùng các chiến sĩ ra tuyên truyền vận động ngư dân và sơ tán nhân dân làng chài Cửa Vạn từ Hòn Vông (Quảng Ninh) vào đất liền theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh an toàn.

Cùng với đó, Trung đoàn 952, Vùng 1 Hải quân đã phối hợp với các lực lượng chức năng sắp xếp, bố trí tránh bão cho 251 phương tiện và 1392 lao động tại âu tàu của đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); cứu kéo, đưa lên bờ 61 phương tiện và 83 lao động an toàn.

Cũng trong sáng 28/10, Lữ đoàn 147 Hải quân đã điều động 150 cán bộ, chiến sĩ đến giúp 14 gia đình chính sách tại các xã Nam Hòa, Cẩm La, Hiệp Hòa, Sông Khoai (Quảng Ninh) gặt 6,5 ha lúa và di dời nhà tạm để tránh bão.

Vùng 3 Hải quân đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các tàu và rời bến ra khu vực tránh bão, đồng thời cho 3 ca nô, xuồng máy, 3 tàu và các lực lượng trực sẵn sàng cơ động để ứng phó với những tình huống đột xuất và giúp ngư dân tránh bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 13h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình – Thanh Hóa khoảng 140 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 1h ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh ven biển Nam đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 13h ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/h).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.

Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa nước biển dâng cao từ 3 – 3.5m/.