Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Dịch tả lợn Châu Phi đã phát hiện tại 4 tỉnh, thành phố của nước ta, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa, với tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy trên 1.000 con. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh, gây chết đến 100% gia súc mắc bệnh.

dich_ta_vov_gwjr.jpg
Yên Bái tổ chức họp báo thông tin tình hình và các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị. Vì vậy, việc phòng bệnh được coi là giải pháp chính, như: Chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ không để lây lan; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm thịt lợn; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho lợn...

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công điện yêu cầu các địa phương và các sở, ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm của dịch. Tỉnh cũng xây dựng các phương án cụ thể để chủ động trong tình huống bệnh xuất hiện trên đàn lợn của địa phương. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, sản phẩm từ lợn bị dịch trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngành Nông nghiệp Yên Bái cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bất thường như: không ăn, lười vận động, có biểu hiện đau vùng bụng, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ… cần báo ngay cho cơ quan chức năng để khẩn trương kiểm tra, xác minh dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các tác nhân gây bệnh.

Trước sự e dè, lo lắng của người dân địa phương khi tiêu dùng các sản phẩm từ thịt lợn hiện nay, ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, Tổ chức Thú y thế giới khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm sang người. “Những con lợn mà không bị bệnh ở vùng có dịch thì khi người dân sử dụng sản phẩm đó vẫn đảm bảo an toàn. Đây là một loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật nhưng không lây nhiễm sang người”- ông Lâm cho biết./.