Trong 2 ngày 25 và 26/4, Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội thảo khoa học về “Những vấn đề cốt yếu và giải pháp phát triển kinh tế xã hội toàn vùng”. 
Đúng như mong đợi của Ban tổ chức, hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn, nêu rõ những điều còn thiếu sót trong các báo cáo khoa học, đồng thời nhấn mạnh đến việc phải đánh giá đúng mức việc ban hành và thực hiện chính sách đối với Tây Nguyên trong thời gian qua. Nếu nhận rõ và rút kinh nghiệm được từ những bất cập này, Chương trình Tây Nguyên 3 sẽ có thể đề ra được luận cứ khoa học xác đáng, nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai từ nay đến năm 20120, tầm nhìn đến năm 2030.
tay-nguyen.jpg
Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuật  thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên

Ông Y Đhăm Ê-nuôl, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi tham dự tất cả các hội thảo khoa học thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, tổ chức từ năm 2011 đến nay, ông đánh giá cao cố gắng của các nhà khoa học trong việc điều tra, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của khu vực. Tuy nhiên, ông Y Đhăm cho rằng, những đánh giá như vậy chưa thực sự đạt đến tầm “cốt yếu” và nếu cứ dùng những thôn tin này để xây dựng chính sách, Tây Nguyên có thể lặp lại cách phát triển chứa đựng nhiều bất cập như những năm vừa qua. Theo ông, phải có sự thâm nhập sâu hơn vào thực tế của khu vực và đánh giá đúng mức việc ban hành và thực hiện các chính sách đối với Tây Nguyên trong thời gian qua, để có những thông tin giá trị hơn.

Ông Y Đhăm Ê-nuôl góp ý: “Chúng ta cần đánh giá cụ thể, những tồn tại, vướng mắc của những cơ chế chính sách trong những năm qua. Hiện không ít chính sách đối với Tây Nguyên còn chồng chéo, thậm chí mang tính hình thức, mang tính ban- cho, không mang hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Ví dụ như chương trình 132-134 (về cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số), chúng ta cứ loanh quanh tính theo hộ, không tính theo khẩu. Ở Tây Nguyên thì 132 là mỗi hộ 1 ha đất. Đến 134 là 0.5, tức là 5 sào. Kết quả là chính sách đó, đến nay mang lại hiệu quả không cao”.

Cũng nhìn từ việc ban hành và thực hiện chính sách, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, vấn đề của Tây Nguyên là đang rất thiếu các chính sách và nguồn lực để phát huy lợi thế về nông nghiệp. Từ thực tế phát triển cây chè, cà phê và nông nghiệp công nghệ cao-những thế mạnh đặc biệt của Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ông  Nguyễn Văn Yên  nêu ý kiến:Nếu tính tổng mức đầu tư thì cả vùng Tây Nguyên chỉ bằng 0,32% so với cả nước, vậy rất khó để có nguồn lực mà phát triển. Chúng tôi mỗi năm có 1 triệu tấn cà phê,  tương đương 10 triệu tấn lúa, thế nhưng Nhà nước lại chỉ ban hành các chính sách cho lúa chứ không ban hành chính sách cho cà phê. Thứ 2, tôi muốn nói thẳng vào một mục nhỏ là chính sách vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bây giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không đưa  nhà kính của dân vào làm một loại tài sản thế chấp thì họ lấy đâu ra tiền. Một nhà kính, đầy đủ cảm biến độ ẩm, nhiệt độ là cứ 10 đến 20 tỷ đồng/ha, vậy mà không là tài sản thế chấp hoặc là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mà bảo 6 tháng phải trả nợ, thì họ lấy đâu ra họ trả nợ”.

Kết thúc hội thảo, Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 đánh giá cao các phản biện đối với các báo cáo khoa học của chương trình: Các phản biện rất quan trọng nhưng chỉ là hội thảo giữa kỳ, không phải là phần kết thúc của chương trình. Thế nên, vì sự phát triển của Tây Nguyên cần có những chính sách cụ thể để phát triển với điều kiện đặc thù của Tây Nguyên./.