Xu hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi cao tuổi trên thị trường lao động

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 11,4 triệu người người từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 12% tổng dân số, trong đó có trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng dân số người cao tuổi).

Dự báo 10 năm nữa (2030), người cao tuổi là khoảng 17 triệu người, chiếm 17% dân số và tỉ lệ người cao tuổi ở sẽ là khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước vào năm 2050.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Cùng với việc chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn mong muốn được tiếp tục đi làm. Mặt khác, hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu. Còn những người có việc thì chủ yếu nhờ vào sự giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...

Vừa qua, do tác động của dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của người cao tuổi lại càng khó khăn hơn. Nhiều người cao tuổi bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Chủ động sinh kế giúp giảm thiểu tình trạng ngược đãi người cao tuổi

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, mặc dù Việt Nam có truyền thống “kính lão đắc thọ” tôn trọng người cao tuổi… nhưng trong quá trình hội nhập và phát triển, tác động mặt trái của kinh tế thị trường làm cho vị thế của người cao tuổi trong gia đình và xã hội có phần giảm sút do khả năng bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập bị suy giảm, đặc biệt nhóm từ 75 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập hoặc có nhưng rất thấp. Nhóm đối tượng này ngược lại sẽ gây áp lực lên gia đình, nhà nước và xã hội.

“Để chủ động thích ứng với tuổi già, nhà nước cần có chính sách tích lũy bắt buộc ngay từ khi còn trẻ để bảo đảm cho tuổi già và chính sách hỗ trợ tham gia hoạt động sinh kế khi trở thành người cao tuổi nhưng còn điều kiện về sức khỏe để bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập, phòng ngừa nguy cơ bị bỏ mặc, ngược đãi hay bạo lực”, Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu nêu ý kiến.

Đồng quan điểm Tiến sỹ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia kinh tế lao động nhận định, hiện 60-70% người cao tuổi vẫn sống phụ thuộc vào con cháu trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành; việc người cao tuổi có thể tìm được công việc phù hợp là không dễ dàng.

“Thời gian qua, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động, song chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào một số nhóm nhỏ đối tượng. Trong khi để phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi cần sự chung tay đóng góp của nhiều bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể hơn”, Tiến sỹ Nguyễn Lê Minh nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần xác định rõ các chính sách sinh kế áp dụng cho các nhóm người cao tuổi khác nhau và chỉ áp dụng với những người thực sự có nhu cầu.

Khi chính sách sinh kế được áp dụng đúng đối tượng sẽ vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi; vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước./.