Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 đã được Hội đồng tiền lương quốc gia chính thức “chốt” là 7,3%, thấp hơn so với năm 2016. Thế nhưng, với mức tăng được cho là thấp này, nhiều doanh nghiệp vẫn không đồng tình, bởi nó vượt qua khả năng cân đối của doanh nghiệp. Còn người lao động thì cảm thấy “ấm ức” vì mình làm việc vất vả sao vẫn bị trả lương thấp.
Ngay sau khi mức tăng lương tối thiểu vùng 2017 được thông qua, trao đổi với VOV.VN về cách tính lương hiện nay khiến cho nhiều DN chưa đồng thuận, nhiều người lao động lại cho rằng mình đang được đối xử không công bằng với sức lực đã bỏ ra, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Cách mà các bên đang thực hiện nay gọi là thỏa thuận, thương lượng chứ không có căn cứ khoa học. Như hiện nay, mỗi bên đưa ra một con số sau đó một ông ở giữa cộng lại chia đôi”.
PV: Theo quan điểm của ông, chúng ta phải làm thế nào để cách tính tiền lương hợp với lợi ích của người lao động mà các DN chi trả lương vẫn tâm phục khẩu phục?
Ông Đặng Như Lợi: Bây giờ muốn làm điều ấy trước hết phải tuân thủ theo luật, phải làm theo quy định của luật pháp đã. Luật pháp đã qui định rõ lương tối thiểu là cái gì? Là đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động trong công việc bình thường. Ở đây mình lại tính chung cho cả nước hoặc cho 4 vùng, nhưng mà mình tính cho ai, ở vùng nào đâu có rõ? Đã theo luật thì anh phải xác định mức sống đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu nhưng cho ai, ở đâu? Cho người làm công việc hưởng lương tối thiểu nhưng có phải các doanh nghiệp đều giống nhau đâu. Tổ chức lao động của mỗi một doanh nghiệp khác nhau. Nó đi theo ngành nghề khác nhau nên tổ chức lao động và khoa học công nghệ DN sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ, sx kinh doanh khác nhau nên làm sao tổ chức lao động như nhau được. Mà tổ chức lao động không như nhau thì hao phí lao động khác nhau. Hao phí lao động khác nhau nên việc xác định rất khó, cho doanh nghiệp nào bây giờ? Ngay trong một khu công nghiệp thôi, các DN cùng một nhóm nhưng có phải một mức lương tối thiểu như nhau không?
PV: Nói như vậy thì chúng ta cho DN quyền quyết định cách tính lương, thưa ông?
Ông Đặng Như Lợi: Hiện nay, chúng ta đang làm thay chức năng của công đoàn, chuyện đấy là chuyện của công đoàn, người ta phải bàn với nhau làm ở DN, thương lượng cụ thể. Bởi năng suất, chất lượng, hiệu quả của mỗi một doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau, hao phí lao động hoàn toàn khác nhau. Bây giờ công đoàn không đủ sức mạnh thì để chính phủ làm thay.
Trước mắt, giao cho chính quyền địa phương muốn thu hút đầu tư người ta phát triển trên địa bàn thì có chính quyền địa phương, cùng với chủ các doanh nghiệp, cùng công đoàn các địa bàn bàn với nhau thì mới ra phù hợp, đi theo cái gọi là ngành nghề. Còn giờ mình gọi mức lương tối thiểu vùng, vùng làm sao mà đúng được, vùng có đi theo chất lượng, năng suất, hiệu quả lao động đâu.
PV: Nếu làm như vậy thì có phải quy định mức sàn để trả lương không, thưa ông?
Ông Đặng Như Lợi: Làm như thế người ta quy định mức lương cụ thể thì cần gì sàn. Còn sàn thì tùy, bởi cứ đưa sàn ra thì cứ trả cao hơn là được chứ gì, chả giải quyết được gì chỉ thêm rối.
Khi Việt Nam tham gia TTP, người lao động sẽ tham gia nghiệp đoàn tự nguyện của họ. Khi đó, việc thương lượng tiền lương sẽ phải công khai và dân chủ hơn. Doanh nghiệp có năng suất khác, tổ chức lao động khác, phân công lao động khác, thì người hưởng lương cứng công việc tổi thiểu của doanh nghiệp cũng phải khác… Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề như thương mại, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm hoàn toàn khác nhau.
PV: Xin cảm ơn ông!/.