Tính đến hôm nay (6/8), đã có gần 1.600 người dân ở tỉnh Kon Tum bị mắc sốt xuất huyết, cao hơn nhiều lần so với cùng thời điểm này năm ngoái. Ngành y tế địa phương phát hiện 205 ổ dịch và tại một số cơ sở y tế bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị quá đông đã dẫn đến tình trạng quá tải. Thế nhưng thực tế cho thấy người dân vẫn còn đang khá chủ quan với dịch bệnh.

sot_xuat_huyte_nkwo.jpg

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô

Hằng ngày, vợ chồng anh chị Nguyễn Sỹ Giang, Lê Thị Liên ở thôn 4, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô thường phải dậy từ nửa đêm để đi cạo mủ cao su. Chị Liên cho biết, mùa mưa muỗi ở trong lô cao su rất nhiều, trong thôn cũng đã có bốn, năm người bị mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.

Biết vậy nhưng chị Liên và chồng vẫn khá chủ quan, hầu như không có biện pháp gì để phòng muỗi đốt. Hậu quả là ngày 30/7 vừa qua anh Giang có biếu hiện bị sốt và phải nhập viện điều trị.

Thực tế cho thấy, đa số người dân sinh sống ở khu vực nông thôn của tỉnh Kon Tum có nguy cơ bị muỗi đốt rất cao do họ thường phải dậy từ hai, ba giờ sáng đi cạo mủ cao su hay cả ngày, thậm chí là cả tuần ở lại ngoài nương rẫy để chăm sóc cây trồng.

Nguy cơ là vậy nhưng theo điều tra mới đây tại tỉnh này của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, 79% người dân hiểu biết về phòng chống sốt xuất huyết nhưng thực hành đúng mới được 60%. Cụ thể như ở huyện Đắk Tô, trước tình hình sốt xuất huyết bùng phát mạnh, cùng với  ngành y tế, chính quyền địa phương đã thành lập Đội xung kích phòng chống dịch ở tất cả 67 thôn làng, tổ dân phố song hiệu quả đạt được không cao.

Ông Sa Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho biết: “Nhiệm vụ của tổ này là một tuần hai lần đến từng gia đình vận động các biện pháp vệ sinh, đặc biệt là không để những dụng cụ chứa nước con loăng quăng phát sinh thành muỗi, nhưng sau khi lực lượng về thì đâu lại vào đấy”.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã có gần 1.600 bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết, đó là chưa kể số bệnh nhân không đến bệnh viện điều trị. Ngành y tế địa phương cũng đã phát hiện tới 205 ổ dịch.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương này, đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng người dân chưa hiểu đúng và thực hành đúng về phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra còn là sự thiếu tích cực và quyết tâm của một số chính quyền cũng như Trạm y tế cơ sở trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhất là hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy./.