Thông tin tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, đại diện Bộ Y tế, Giao thông vận tải đã thông tin về kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế với các nước và vùng lãnh thổ đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, các phương án đã được bàn bạc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong nước. Trong đó, lực lượng quân đội có vai trò quan trọng trong việc cách ly. Bộ Y tế đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly tại gia đình, tại các nhà máy, trường học và địa điểm công cộng…
“Chúng tôi tin tưởng việc mở lại đường bay quốc tế vẫn sẽ vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa bảo đảm phát triển kinh tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản dịch COVID-19. Những Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và dịch sẽ chỉ được đẩy lùi thực sự khi có vaccine. Do đó, kịch bản chung sống an toàn với dịch đã đặt ra Việt Nam vào tình hình mới với mục tiêu “vừa chống dịch và phát triển kinh tế”.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì cùng Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tham mưu Thủ tướng quyết định vấn đề mở lại đường bay quốc tế với các nước và vùng lãnh thổ đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với Việt Nam.
“Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ từ 3/9 nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa có ý kiến về việc này và chưa đưa ra các giải pháp. Chúng ta sẽ phải tính toán đối tượng và tần suất bay, vừa làm vừa thí điểm sau đó mới nâng tần suất bay. Về kiểm dịch, khách trước khi lên máy bay phải được xét nghiệm âm tính, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly”, ông Dũng cho biết.
Bộ GTVT đã đề xuất mốc ngày 15/9 mở đường bay với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; và ngày 22/9 sẽ kết nối các chuyến bay với Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đã có văn bản mới nhất vào ngày 3/9 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc mở đường bay với các quốc gia được đánh giá đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tương đương như Việt Nam; cũng như dựa trên yêu cầu của các quốc gia với Việt Nam.
“Bộ GTVT cũng kiến nghị những đối tượng lên các chuyến bay này là các nhà ngoại giao, những đối tượng công vụ, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước và công dân Việt Nam đi lao động tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó là những chuyên gia nước ngoài, lao động nước ngoài chất lượng cao đang làm việc tại các dự án trong nước và các nhà đầu tư trực tiếp… Chúng tôi tính toán mỗi tuần sẽ có 1 chuyến đến và 1 chuyến đi tới những quốc gia và vùng lãnh thổ này”, ông Đông thông tin cụ thể.
Cũng theo ông Đông, con số khoảng 5.000 người tới Việt Nam theo tần suất và số lượng chuyến bay mỗi tuần đều đã được đánh giá và phân tích kỹ dựa trên năng lực về cách lý luân phiên trong vòng 14 ngày của các đơn vị quân đội và các địa phương. Đặc biệt, Bộ GTVT cũng làm việc với các nhà chức trách hàng không và cụ thể là các hãng hàng không về vấn đề kiểm dịch của hai bên. Trong đó, quy trình kiểm dịch đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 ban hành cụ thể, chặt chẽ từ việc tiếp nhận đến cách ly người nhập cảnh.Vấn đề được đặt ra là việc những nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, CEO các tập đoàn nước ngoài… có nhu cầu đến Việt Nam ngắn ngày có cần phải cách ly 14 ngày khi họ đã đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch y tế? Theo người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, khách sang làm việc 5 ngày mà cách ly 14 ngày thì họ sẽ không sang nữa: “Vừa rồi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã quyết định cho nhập cảnh với một trường hợp phải thực hiện trong tình hình thực tế như sau: Một Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang Việt Nam 5 ngày thì ta không đặt vấn đề cách ly, nhưng khách sang phải ở khách sạn, ngày thứ nhất ta xét nghiệm âm tính, ngày thứ hai mới để họ thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình. Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần…). Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến 17-18/9 sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, nếu ta đặt vấn đề cách ly 14 ngày thì khách sẽ không sang nữa”.
Với các trường hợp khác khi nhập cảnh vào Việt Nam vẫn phải đảm bảo kiểm dịch y tế và cách ly 14 ngày theo quy định. Song ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, từ 1/9/2020, tất cả các trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Thực tế, vừa qua, nhiều người Việt từ nước ngoài về cũng có nhu cầu được ở nơi cách ly có dịch vụ tốt hơn như tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đảm bảo quy định an toàn cách ly. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện cho các khu cách ly, khách sạn, nơi lưu trú vừa để tạo việc làm cho các doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cũng nêu rõ, theo Nghị quyết 37, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả các khoản liên quan đến chi phí dịch vụ cách ly. Tuy nhiên, khi mở các chuyến bay thương mại và đưa các chuyên gia nước ngoài vào làm việc, họ sẽ phải trả dịch vụ khách sạn theo quy định về mức chi phí thỏa thuận giữa người cách ly và người cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra mức thu phí trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế./.