Đầu năm 2015, dự án thay thế 6700 cây xanh đã tạo nên một cuộc tranh cãi lớn của người dân trong và ngoài địa bàn thành phố Hà Nội. Cũng do sự phản đối của người dân thủ đô, dự án đã dừng lại. Tuy nhiên, một phần cây xanh trên các con phố lớn đã được thay thế. Một năm nhìn lại, những hàng cây vẫn khiến con người không khỏi xót xa.

Tiếc nuối những hàng cây

Hà Nội vốn được biết đến là thành phố xanh với những hàng cây cổ thụ trăm tuổi đã in sâu như một biểu tượng, một dấu ấn tự hào của người dân thủ đô. Những cây xanh này đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa.

Nguyễn Chí Thanh, con đường từng đạt giải “Đường đẹp nhất Việt Nam” (2001 – 2002) nay chỉ còn trơ trụi lại những tòa nhà. Màu xanh của lá cây dường như đã biến mất hẳn trên con phố này khi gần 400 cây lớn đã bị đốn ngã và thay thế.

anh_2_vov_afie.jpg
"Chạy đâu cho khỏi nắng" với những hàng cây thế này

Nhiều người dân sống và làm việc trên con đường này xót xa ngậm ngùi, hàng cây xanh rợp bóng mát nay đã không còn, thay vào đó là những thân cây còi cọc, trơ trụi. Các bác lớn tuổi đến bây giờ vẫn chưa hết tiếc nuối cho hàng cây hoa sữa, xà cừ đã gắn bó từ tuổi thơ tới lúc tóc hoa râm, đầu bạc.

Bạn Thùy Dương (Sinh viên Học viện Ngoại Giao) chia sẻ: “Năm đầu mình lên học đại học, vẫn thường dừng ở trạm xe buýt trên đường Nguyễn Chí Thanh để đi bộ vào trường. Nhưng giờ thì có cả ô, áo chống nắng cũng co giò chạy nhanh vì nắng quá”.

Đợi chờ cây mau lớn

Do biến đổi khí hậu, Trái đất đang ngày một nóng lên. Đầu mùa, nhiệt độ của Hà Nội đã lên đến gần 40 độ C. Từng đợt nắng gắt khiến người dân càng nóng lòng khi nhìn vào những hàng cây mới trồng.

Cây ơi, bao giờ cây lớn?

Nhìn nhận một cách khách quan, việc thay thế những cây lớn đã già là dự án cần thực hiện, do cây quá cỗi có thể gây nguy hiểm trong mùa mưa bão. Nhưng không thể phủ nhận, do quá vội vàng mà dự án này đã đốn hạ oan nhiều gốc cây “còn trẻ” và khỏe mạnh.

Những con phố lớn xanh mát một thời nay trơ trụi, chỉ còn những hàng cây con lưa thưa tán. Lại mất một thời gian dài nữa phải chăm lo, phải ôm ấp những thân cây cho cây lớn lại như ngày nào.

Bác Quyết (người dân đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân) chia sẻ: “Đường sắt cao nhìn đẹp, nhưng nắng quá. Mặt đường cứ hầm hập lên. Bác tưới (đường) từ sáng đến giờ mà vẫn nóng lắm”. Đây cũng là điều nhiều người dân đã dự đoán được khi những hàng cây ngã xuống.

Dự án đường sắt trên cao đã lấy đi hai hàng cây cổ thụ giữa lòng đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân

Điều lo ngại của người dân trong năm 2015 đến nay vẫn còn. Và sẽ kéo dài thêm trong vài năm tới. Do cây xanh cần thêm thời gian để cao và phát triển thêm tán, chưa kể trong quá trình này cây cần được đốn tỉa thường xuyên để tránh những cành tỏa lan ra mặt đường.

Nhìn hàng cây trơ trụi, người dân còn biết làm gì hơn ngoài tiếc nuối và đợi chờ?