Hàng nghìn héc ta ngô tại 8 huyện của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn phát triển cho bắp đang bị sâu keo mùa Thu tàn phá, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng ngô Xuân.

Bà Triệu Thị Lê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, đã có khoảng 3.380ha ngô trên địa bàn tất cả các huyện của tỉnh Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại, với mật độ phổ biến từ 1 đến 4 con/m2, mật độ cao từ 10 đến 15 con/m2. Do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài diện rộng, cộng với sự phát triển nhanh, mạnh và sức tàn phá lớn của sâu, nên thiệt hại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

sau_hai_ngo_vov_flmx.jpg
Hàng nghìn héc ta ngô tại Điện Biên đang bị sâu keo mùa Thu gây hại.

Trước khả năng lây lan nhanh và phức tạp của sâu keo mùa Thu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các trạm Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các huyện tuyên truyền đến người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi nương ngô để sớm phát hiện và xử lý kịp thời loại sâu này.

Sâu keo mùa Thu là loại sâu mới được phát hiện, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, đã xuất hiện tại rất nhiều nước châu Á. Loài sâu này lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm. Tại Việt Nam, trước khi sâu keo mùa Thu xuất hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn đề nghị các tỉnh phía Bắc theo dõi sát diễn biến của loại sâu này để kịp thời xử lý.

Tại Điện Biên, hiện sâu non và sâu trưởng thành đã xuất hiện khả năng kháng thuốc, sâu trưởng thành đã có thể di chuyển và phát tán xa. Do đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp như: làm đất, luân canh, bắt ổ trứng, dùng bả chua ngọt để bẫy con trưởng thành… Khi mật độ sâu quá cao thì sẽ tiến hành phun thuốc hóa học theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn./.