Tại nhiều vùng trồng ngô lấy bắp và trồng ngô lấy thân chế biến thức ăn cho bò sữa, đã phát hiện loại sâu Keo mùa Thu, với mức độ lây lan rất nhanh và gây hại nặng cho hàng trăm héc-ta ngô. Huyện Mộc Châu đã và đang tập trung nhiều giải pháp khẩn trương xử lý loại sâu này. 

Gia đình chị Lê Thị Vân có 1ha đất trồng ngô tại tiểu khu 77, thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Sau khi làm đất gieo hạt, cây ngô nẩy mầm và phát triển rất tốt, tuy nhiên từ khi cây được 3 lá thì phát hiện có loại sâu lạ ăn lá và nõn ngô, chỉ sau vài ngày, vườn ngô tan nát như vừa trải qua trận mưa đá.

vov_sauhaingo_lpxh.jpg
Sâu hại ngô trên diện rộng tại Mộc Châu, Sơn La.

“Bà con trồng ngô chưa năm nào bị sâu như thế này. Năm nay, sâu phá gây thiệt hại cho bà con. Gia đình tôi bắt buộc phải phá đi để chờ xem mưa trồng lại được không. Chúng tôi cũng mong được hướng dẫn cách phòng, chống, diệt sâu để đỡ thiệt hại”, chị Vân nói.

Cũng như gia đình chị Vân, tại Đội chăn nuôi 77, sâu hại đã tàn phá gần 80% diện tích ngô, gây thiệt hại nặng cho 33ha. Hầu hết những cây ngô bị nhiễm bệnh đều hỏng hết nõn, cây dừng sinh trưởng. Nhiều hộ gia đình phải phá ngô đi để trồng lại, gây thiệt lại lớn cho người nông dân.

Anh Nguyễn Văn Biên, quản trị khu vực chăn nuôi 77, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Sơn La cho biết: “Các hộ ở đây thiệt hại rất lớn. Nếu như tốc độ phát triển như thế này sẽ mất 100%. Hiện nay tất cả thức ăn ủ chua của công ty đều từ nguồn ngô cây. Nếu như mất mùa ngô cây này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuẩn bị thức ăn cho đàn bò trong cả năm”.

Sau khi lấy mẫu, các cơ quan chuyên môn xác định đây là loại sâu Keo mùa Thu - đang gây hại tại nhiều địa phương trong cả nước. Loại sâu này rất khó phòng trừ, vì có tập tính đẻ tập trung vào ruộng ngô non (giai đoạn ngô 3-5 lá). Chúng có đặc điểm đầu hình chữ “Y” ngược, cơ thể có nhiều lông. Sâu khi còn nhỏ ăn lá, khi lớn chui vào nằm trong bẹ nõn để cắn phá với tốc độ rất nhanh.

Anh Hoàng Văn Tuyến, Tiểu khu 77 thị trấn Nông Trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La cho biết thêm: “Đây là loại sâu mới và lạ, nên bà con nông dân chúng tôi chưa biết rõ. Nhưng chúng tàn phá đồng ngô quá mạnh. Hôm qua, chưa phát hiện gì, nhưng sáng hôm sau đã thấy đồng ngô toàn bộ lá bạc trắng, gây thiệt hại lớn. Tôi rất mong các nhà khoa học tìm ra thuốc diệt sâu hữu hiệu, tránh thiệt hại cho bà con nông dân”.

Mộc Châu là một trong những vựa ngô lớn của tỉnh Sơn La, với gần 16.000ha ngô, sản lượng trên 67.000 tấn/năm, trong đó có trên 2.000ha ngô trồng lấy thân ủ ướp làm thức ăn cho bò sữa.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra đồng ruộng bị sâu hại. Người nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu phá bỏ ngô bị sâu hại để trồng lại.

Để phòng trừ và hạn chế lây lan trên diện rộng, huyện Mộc Châu chỉ đạo các xã, thị trấn cử cán bộ khuyến nông điều tra mở rộng trên diện tích trồng ngô, phát hiện sớm sâu Keo gây hại và hướng dẫn bà con phòng trừ bằng một trong các loại thuốc trừ sâu có tác động nội hấp, thấm sâu (các loại thuốc có hoạt chất Lufennuron, Chloratraniliprole, Indoxacarb).

Đối với những ruộng có mật độ sâu non cao, sau khi phun cần tiến hành theo dõi. Nếu sâu vẫn còn gây hại cần phun nhắc lại lần 2. Thời gian phun lần thứ 2 sau phun lần 1 từ  5-7 ngày (thuốc phun lần 2 khác với thuốc phun lần 1 để hạn chế sâu quen thuốc).

Thời điểm phun thuốc được thực hiện tốt nhất vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun thuốc vào buổi trưa, nếu phun bình máy phải giảm áp lực của bình để thuốc ra chậm và đều. Đặc biệt, không dùng thuốc trừ sâu có tác động tiếp xúc, vị độc vì không có hiệu quả đối với sâu Keo hại ngô.

Bà Nguyễn Thị Hường, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La khuyến cáo: “Bà con nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm, đặc biệt trên giai đoạn ngô non từ 3 đến 5 lá. Phòng trừ sâu ở giai đoạn non mới nở tuổi 1, tuổi 2, hiệu quả phòng trừ sẽ cao. Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp đã có công văn hướng dẫn các xã, hướng dẫn cho người nông dân phòng trừ điều tra phát hiện, phòng trừ loại sâu hại này. Đây là loại sâu hại mới, có khả năng sinh sản phát triển rất mạnh và khả năng gây hại rất là cao so với các loại sâu trước đây đã xuất hiện”./.