Thực tế này buộc chính quyền địa phương cấp xã phải tự giữ rừng trong khi các điều kiện nhân, vật lực chưa đảm bảo. Điều này gây ra áp lực đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương, hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng ở khó đảm bảo.

Anh Trần Quốc Châu, 34 tuổi, ở làng Kla được UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông ký hợp đồng làm nhân viên giữ rừng cho xã từ đầu năm 2022. Với mức lương khoán trọn 6 triệu đồng/ người/ tháng, nhiệm vụ của anh Châu và 4 cán bộ tại Chốt bảo vệ rừng số 1 là tuần tra, bảo vệ khoảng 4.000 ha rừng. Diện tích quản lý rộng, thời gian làm việc bất kể ngày đêm; nguy hiểm thường trực nhưng không công cụ hỗ trợ, quyền hạn ít khiến lực lượng bảo vệ rừng luôn ở thế yếu.

“Họ gọi điện, biết anh em đi hướng nào, người ta nói ra đây, đập chết; cầm dao, cầm rựa xông tới là bình thường. Chốt trưởng giao anh em đi tuần tra, nếu phát hiện thì báo về, chứ đâu làm gì được, báo về xã cử lực lượng ra xử lý, lực lượng bảo vệ rừng không xử lý được”- ông Châu nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại xã hiện nay là 24.000 ha. Trong đó, mới có 10.000 ha được giao cho Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Ia Mơr. Diện tích còn lại, xã phải quản lý. Ngoài 20 nhân viên hợp đồng, xã phải tăng cường lực lượng cán bộ, công an, dân quân tự vệ hỗ trợ ban đêm. Bởi đây là thời điểm rừng bị phá nhiều nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, từ 2021 tới nay, bản thân ông, tập thể UBND xã và lực lượng bảo vệ rừng đã bị kiểm điểm trên chục lần vì chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng: "Như bản thân tôi, ban ngày làm việc ở trụ sở, ban đêm còn mắc võng ở rừng cùng anh em ngăn chặn, để sát sao, xử lý kịp thời hơn. Nhưng mà khó khăn cho địa phương ở những mặt công tác khác. Ví dụ có thời điểm tập trung hết vào quản lý, bảo vệ rừng, thì những mặt công tác khác như phát triển kinh tế, hướng dẫn nhân dân phát triển vụ mùa thì bị hạn chế”- ông Tuấn Anh nói.

Lực bất tòng tâm trong giữ rừng cũng là thực tế của UBND xã H'bông, huyện Chư Sê. Ông Bùi Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết, giữa 2019, khi Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị giải thể, địa phương được chuyển giao hơn 3.800 ha rừng, trong đó có hơn 2.100 ha là rừng phòng hộ. Cũng từ đó tới nay, tình trạng hủy hoại rừng tại đây xảy ra liên tục, với quy mô từ vài ha đến vài chục ha/ 1 vụ. Chỉ tính riêng trong chưa đầy 1 năm, từ tháng 9/2021 đến đầu tháng 7/2022, rừng ở 15 lô, của 4 khoảnh thuộc các tiểu khu 1064 và 1065 đã bị lâm tặc cày ủi, san phẳng. Trong số này, có 23,5 ha đã bị trồng bạch đàn, khi bén gốc cao hơn gang tay, chủ rừng mới phát hiện.

Ông Bùi Văn Cường cho biết: “Sau khi xã H’Bông nhận lâm phần này thì có nhiều khó khăn như đi qua đường sông, hoặc qua 2 huyện Phú Thiện, Ia Pa, cả đi, cả về là khoảng 100km".

Ông Thái Thượng Hải- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, đơn vị đã nhiều lần tham mưu UBND huyện Chư Sê làm thủ tục kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai giao rừng, nhưng chưa có kết quả: "Qua những vụ việc và quá trình quản lý có những bất cập, cho nên 2021, Hạt kiểm lâm đã tham mưu huyện gửi tờ trình lên Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xin giao diện tích này cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Ayun PaPa quản lý, vì họ có lực lượng chuyên trách, có kinh phí, thì sẽ tốt hơn. Đầu năm 2022 cũng thực hiện một lần nữa".

Với hơn 632.000 ha, hiện nay, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh vẫn tiếp tục suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn bình quân chung của toàn vùng. Giai đoạn 2015-2020, tại tỉnh xảy ra hơn 4.300 vụ vi phạm với hàng trăm ha rừng bị chặt, phá.

Ông Nguyễn Văn Hoan- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, một phần nguyên nhân các xã khó giữ rừng, là diện tích được giao xen kẽ với đất sản xuất của người dân. Để bảo vệ rừng hiệu quả hơn, rừng cần được giao cho các doanh nghiệp hoặc người dân như quy định của Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên việc này liên quan tới nhiều yếu tố, như kinh phí, đo đạc. Ông Hoan hi vọng, toàn bộ rừng tại tỉnh sẽ được giao đúng đối tượng và đúng theo kế hoạch tới 2030: “Hiện nay, Gia Lai còn diện tích khá lớn chưa được giao cho các chủ rừng quản lý. Quan điểm của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp là tất cả các diện tích rừng phải được giao cho chủ rừng quản lý, phấn đấu đến 2030, tất cả diện tích này phải được giao cho chủ rừng quản lý".

Trong lúc chờ rừng có chủ, UBND các xã ở những nơi có rừng chưa được giao vẫn phải loay hoay với nhiệm vụ bất đắc dĩ, trong nỗi lo các mức kỷ luật luôn chực chờ./.