Thế nhưng, chưa đầy nửa năm, sau vụ sập giàn giáo đường sắt Cát Linh – Hà Đông (cuối năm 2014), chiều 10/5/2015, tại công trường thuộc Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội lại xảy ra vụ rơi thanh sắt nặng hàng tấn xuống đường, rất may không ai bị thương.
Còn nhớ, trong cuộc họp với Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trong sự cố sập giàn giáo đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định “không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa”. Đây là mệnh lệnh đối với nhà thầu, đơn vị thi công và cũng là lời hứa của vị Tư lệnh ngành Giao thông đối với người dân. Thế nhưng, chưa đầy nửa năm, cũng trên địa bàn Hà Nội, chỉ khác địa điểm, đã xảy ra một sự cố “đốn tim” nhiều người đi đường. Sự cố rất may không khiến ai bị thương hay thiệt mạng, nhưng không biết, thành phó Hà Nội, Bộ GTVT có tổ chức rút kinh nghiệm, qui trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị nào hay không? Hay chưa xảy ra chết người, không có ai bị thương tích thì vẫn chưa có gì đáng phải lo? Mọi người đang rất trông chờ vào sự quyết liệt của những người cầm trịch!
Hà Nội đang trong giai đoạn mở rộng, xây dựng, cả thành phố là một đại công trường và người dân Thủ đô hàng ngày muốn mưu sinh, kiếm sống phải luồn lách qua những đại công trường ấy. Cùng với cuộc mưu sinh là những cái chết lửng lơ, có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào.
Sau sự cố trên tuyến Cát Linh – Hà Đông, nhiều người đã không dám đi qua con đường này bằng việc tìm các con đường vòng khác để đi làm và về nhà. Thế nhưng, hàng ngày vẫn có hàng ngàn lượt người và phương tiện giao thông phải đi qua đây, có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác?! Và họ lại trông chờ vào trò rủi may của số phận. Ngày nào đi được đến đích là thở phào ngày đó. Ơn giời, mình đã không sao!
Hà Nội đông đúc, chật hẹp. Hàng ngày, khi tham gia giao thông thì tai nạn luôn rình rập. Ra đường thì sợ những chiếc cần cầu, những dầm lao… có thể đổ ụp lên đầu bất cứ lúc nào.
Một công trình hoành tráng tầm cỡ quốc gia như dự án đường sắt trên cao, chắc chắn khâu kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động phải được quan tâm hàng đầu. Vậy tại sao, thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ “rơi” thứ này, thứ kia từ trên cao xuống đầu người đi đường? Các vị lãnh đạo ơi có biết chúng tôi sợ lắm.
Sau mỗi vụ tai nạn hay sự cố lại kiểm tra, lại giám sát, lại khiển trách, kỷ luật, rút kinh nghiệm… nhưng tất cả những việc này đều chạy sau những mạng người vô tội. Sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của những người có trách nhiệm, của đơn vị thi công đánh đổi bằng sự an toàn và tính mạng của hàng triệu con người hàng ngày phải đi qua đây.
Với tiến độ công trình như hiện nay, không biết đến bao giờ người dân Hà Nội mới thoát cảnh nơm nớp lo sợ khi đi qua hoặc sống bên cạnh công trình này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ở nước ta, không riêng gì Hà Nội, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do sự bất cẩn của chính con người tại những công trường xây dựng. Vụ sập giàn giáo ở Formosa (Hà Tĩnh) khiến hàng chục người chết và bị thương; vụ rơi cần cẩu ở Đồng Tháp khiến 3 mẹ con trên đường tới trường chết tức tưởi… và còn bao nhiêu vụ tai nạn nữa cho chính con người tự “giáng” vào đầu con người chứ không phải do “ông trời”.
Những cái chết đang rình rập từ chính sự cẩu thả, vô trách nhiệm của con người. Ai cũng biết điều đó nhưng không hiểu vì lý do gì mà mọi việc lại vẫn cứ diễn ra theo cách không thể chấp nhận được như thế!/.