Những năm trước nghề nuôi tôm nước lợ giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, do ồ ạt chạy theo phong trào phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được môi trường, con giống, đặc biệt là nước thải tại các ao nuôi làm nguồn nước xung quanh vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hơn hai năm nay, chính quyền xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bất lực trong việc xử lý môi trường nước quanh khu vực nuôi tôm ven biển.
Bà Phạm Thị Luân, người dân xã Bình Hải cho biết, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sống quanh khu vực nuôi tôm đã bị ô nhiễm không thể ăn, uống được: “Trước nước ở đây ngon lắm, nhưng 2 năm trở lại đây họ nuôi tôm bị nhiễm. Nước nhiễm nên bị mặn, cho nên không có uống ăn gì được nữa. Bây giờ chỉ dùng tắm sơ vậy thôi”.
Nuôi tôm nước lợ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường nước sinh hoạt của người dân, mà còn phát sinh dịch bệnh, khiến tôm chết ngày càng nhiều. Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có 110ha mặt nước nằm trong diện tích quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ.
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm vùng nuôi tôm ngày càng nặng, dẫn đến tôm chết hàng loạt, nên đến nay chỉ còn thả nuôi 95ha. Trước đây, huyện Bình Sơn có nhiều vùng nuôi tôm nước lợ rất hiệu quả, nhưng sau vài vụ nuôi, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến tôm nuôi đổ bệnh đồng loạt, chết đỏ ao nuôi.
Ông Phan Diệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, do nuôi tôm có lãi lớn nên một số người dân địa phương còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường: “Nuôi tôm cũng có đó, đó là họ nuôi rải rác dọc bờ biển, thì cái nuôi tôm này nó không nằm trong quy hoạch, thì huyện Bình Sơn cũng đã có đề nghị cưỡng chế một số hồ nuôi rồi.
Tất nhiên, về nuôi tôm nó cũng gây một phần, có ảnh hưởng đến các hồ họ nuôi gần đó. Chúng tôi đề nghị họ tháo dỡ đi, nhưng họ vẫn chưa làm, lý do là đầu tư lớn quá. Bình Sơn không quy hoạch vùng đó để nuôi tôm. Nhưng mà họ thấy nuôi tôm có lãi mấy năm đầu họ làm trái phép”.
Hiện tại, hầu hết các hồ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều vướng ở khâu xử lý nước thải, khiến dịch bệnh trên tôm nuôi liên tiếp xảy ra. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 60ha trên tổng số 380ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh.
Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở vùng nuôi tôm nước lợ của địa phương chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Bởi vậy, việc bảo vệ môi trường trong nuôi tôm nước lợ không dừng lại ở việc xử lý nước thải, chất thải mà phải được thực hiện trong suốt quá trình nuôi. Để nghề nuôi tôm nước lợ an toàn, địa phương hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi, bảo vệ môi trường, trước tiên phải xây dựng hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho các vùng nuôi tôm để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Bà Đỗ Thị Thu Đông cho rằng, để làm được điều này cũng không phải một sớm, một chiều: “Ngành cũng đã có đề xuất là xây dựng hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm. Nhưng thực ra trong ngành hiện giờ cũng đang còn rất nhiều dự án đang phải chờ vốn, cho nên cái này chắc nó cũng còn phải lâu dài”./.