Vài năm trở lại đây, tình trạng các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc san sát, bám ven các trục đường lớn trong nội đô, và tình trạng đô thị hóa phát triển chóng mặt dẫn đến phá vỡ quy hoạch đô thị. Có nhà là có người. Dân số ở các khu vực này tăng chóng mặt.

Nóng bỏng nhất trong việc bùng nổ dân số phải nói đến Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Khu đô thị “kiểu mẫu” này từng là niềm tự hào của chủ đầu tư và ước mơ của bao người dân trên đất Hà thành. Nhưng kể từ khi có sự tham gia của đại gia “điếu cày” Lê Thanh Thản thì khu đô thị “kiểu mẫu” này trở thành nơi nhồi nhét hàng vạn người.

Sự gia tăng xây dựng các công trình cao tầng, có chiều cao từ 35 - 40 tầng đã vượt quá quy hoạch được phê duyệt ban đầu. Trong khi hạ tầng giao thông không “chạy kịp” theo các dự án nhà ở. Chính điều này làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng giao thông bị quá tải, khiến tình trạng mất an toàn giao thông gia tăng, tắc đường liên tục xảy ra.

un_tac_giao_thong_ixip.jpg

Chung cư mọc lên rầm rộ khiến dân số tăng gây áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông Hà Nội

Theo số liệu thống kê, trước khi lên phường, Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ, với gần 7.000 người. Nhưng vài năm gần đây, chung cư “mọc” lên rầm rộ khiến dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 8.500 hộ, tổng dân số tăng gần gấp 5 lần lên 32.000 người.

Chưa dừng lại, dự báo đến hết năm 2017, với việc hoàn thiện thêm hàng chục ngàn căn hộ thì dân số phường Hoàng Liệt sẽ tăng thêm khoảng 20.000 hộ, tương ứng 80.000 dân. Điều này dẫn đến các tuyến đường bao quanh khu vực Linh Đàm như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xiển, Giải Phóng luôn trong tình trạng tắc nghẽn vào các khung giờ cao điểm.

Cùng chung số phận áp lực giao thông trên các tuyến đường trọng điểm như Hồ Tùng Mậu, Trần Duy Hưng, Tố Hữu... ngày càng lớn. Tình trạng này diễn ra là do hàng loạt chung cư, trung tâm thương mại mọc lên như nấm. Đơn cử như tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài được khánh thành từ năm 2010 với kỳ vọng là một tuyến huyết mạch mới, tạo đà phát triển cho khu vực phía Tây thành phố Hà Nội, đồng thời giải tỏa một phần áp lực giao thông cho đường Nguyễn Trãi.

Tuy nhiên, “cuộc vui ngắn chẳng tày gang”, không bao lâu, hàng loạt các toà nhà chung cư và khu đô thị mới đã mọc lên bám dọc tuyến đường này, có thể kể đến như khu đô thị mới Dương Nội, Văn Khê, Park City và các tòa chung cư khác như Usilk, The Light, Tây Hà, Bắc Hà, Thăng Long No1...

Theo con số thống kê sơ bộ, dọc hai bên đường Tố Hữu đã có tới 30 - 40 tòa chung cư thuộc gần 20 dự án với chiều cao từ 20 đến trên 30 tầng. Người ở các địa phương khác về ở trong các khu chung cư này tăng lên nhanh chóng, gây áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông.

Quy hoạch để phá quy hoạch?

Năm 2005, HĐND thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố. Yêu cầu đặt ra là “khi phê duyệt phương án quy hoạch và bố trí sắp xếp dân cư trong từng khu phải đảm bảo nguyên tắc không hút dân vào khu vực nội thành”.

Năm 2009, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đã “yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm”.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều tòa nhà chung cư trong nội đô vẫn mọc lên cho thấy có sự mâu thuẫn giữa chủ trương giãn dân ra khỏi khu vực nội đô và việc xây dựng mới các khu chung cư tại nội thành Hà Nội.

Với những công trình đã hoàn thành là tòa nhà số 7A, Trần Phú, Hà Đông, chềnh ềnh 19 tầng, độ cao khoảng 50m. Vì thế, mỗi lần đi đến đoạn đường này, nhiều người có cảm giác các tòa nhà đang đổ vào đầu những người đi đường.

Chỉ vài bước chân, qua vỉa hè thì người trong tòa nhà này đã xuống đến đường. Khoảng cách từ tòa nhà ra đường quá ngắn khiến dư luận không khỏi nghi vấn, liệu tòa nhà này có đáp ứng yêu cầu về khoảng lùi mà Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 quy định, công trình có chiều cao từ 28m trở lên, xây ở tuyến đường có lộ giới nhỏ hơn 19m thì phải lùi vào 6m, tính từ vỉa hè hay không?.

Không chỉ vi phạm về khoảng lùi, nhiều nơi, khoảng cách giữa các tòa nhà cũng không đảm bảo, ví dụ như khoảng cách giữa hai tòa nhà N04B1 và tòa nhà N04B2 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy chỉ gần 2m. Trong khi đó, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01/2008, khoảng cách giữa hai khối đế của tòa nhà phải cách nhau bằng 1/3 chiều cao của tòa nhà đang xây dựng. Như vậy, với thiết kế tòa nhà N04B1 17 tầng có chiều cao 66m thì khoảng cách tối thiểu giữa hai tòa nhà cũng phải tới 13m, nghĩa là gấp hơn 6 lần mức hiện tại.

Hay như, nằm xen kẽ giữa khu dân cư, hầu hết các tòa nhà mặt đường có khoảng lùi rất ít như khu tái định cư Nam Đại Cồ Việt cao 16 tầng chỉ lùi 3m, khu Nam Thành Công 19 tầng tiết kiệm hơn với khoảng lùi dưới 2m... Hệ số sử dụng đất tối đa theo tiêu chuẩn là 5 lần, nhưng toà nhà 27 Láng Hạ có hệ số 8,8 lần, một công trình tại Mỹ Đình (có mật độ xây dựng gần 80% - gấp đôi cho phép) có hệ số là 13,26 lần.

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, ở Nhật Bản, Đài Loan có quy định về quy hoạch trong khu đô thị mới và quy hoạch tại khu đô thị hiện có. Với quy hoạch tại khu đô thị hiện có là quy hoạch cải tạo các khu đô thị hiện có, cho phép nhà đầu tư được xây dựng công trình gì, như thế nào.

Thế nhưng, ở Hà Nội, chủ đầu tư sau khi có được “đất vàng”, để hoàn vốn, tối đa lợi nhuận, dường như họ không quan tâm đến quy hoạch khi thi nhau xây những tòa nhà với số tầng cao vượt phép. Việc không tuân theo quy hoạch đã dẫn tới tình trạng bùng phát, tăng mật độ dân cư, gây quá tải cho hạ tầng giao thông./.