Can trường nơi đầu sóng

“Nghe tin Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, ai cũng bức xúc, cánh nhà báo chúng tôi muốn có mặt ngay ngoài thực địa để phản ánh kịp thời, chân thực những gì xảy ra ở đó” - Phan Thanh Hải, báo Lao động kể lại.

Phóng viên Thu Lan, Đài TNVN, dù đã tập kết vào tới Đà Nẵng vẫn bị cảnh báo: “Chuyến đi rất vất vả. Bây giờ quyết định ở lại cũng không có vấn đề gì…”. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, ước mơ được ra Hoàng Sa tác nghiệp vẫn trào dâng mạnh mẽ trong lòng nữ phóng viên này. Không chỉ Thu Lan, Thanh Hải, hầu hết phóng viên chúng tôi gặp đều bày tỏ sự vui mừng, hạnh phúc khi được ra Hoàng Sa tác nghiệp. Với họ, còn vinh dự nào hơn khi được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

tau-ca-1_nyxq.jpg  

Tàu cá Trung Quốc gây hấn, đâm va tàu cá của ngư dân Việt Nam (Ảnh: Hải Sơn) 

Đêm 11/5, tại cầu cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, không ai bảo ai, cánh nhà báo răm rắp tuân thủ hiệu lệnh của thuyền trưởng lên thuyền rời bến, trực chỉ Hoàng Sa thẳng tiến. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió, lòng yêu nước trong mỗi người lại trỗi dậy mạnh mẽ với một niềm tin tất thắng.

 

Chiều ngày hôm sau, tàu ra tới vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quan sát từ xa, mọi người đều nhìn rõ giàn khoan khổng lồ hiện lên sừng sững, xung quanh là những chấm trắng - tàu của Trung Quốc bao quanh bảo vệ. Lúc đó, ai cũng nhận thấy Trung Quốc đang dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” nhằm uy hiếp tinh thần lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Ngay tại thực địa, đập vào mắt phóng viên trong nước và quốc tế là cảnh tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm, húc trực diện, phun vòi rồng, chĩa pháo vào tàu chấp pháp của Việt Nam. Chưa hết, phía Trung Quốc còn huy động máy bay, bay ở tầm thấp gây tiếng ồn lớn, nhằm đe dọa lực lượng chấp pháp của Việt Nam.

Không vì thế mà nao núng, sợ hãi, lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam vẫn bình tĩnh tuyên truyền về hành vi sai trái và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Với cánh phóng viên, nhiều người vẫn bị xây xẩm mặt mày bởi say sóng, song không ai bỏ lỡ cơ hội tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh, thước phim đắt giá. Phóng viên Thu Lan kể lại cảm giác say sóng, đầu nặng trình trịch, muốn ngồi dậy khỏi giường thì lại có cảm giác ngã xuống, không thể đứng dậy được. Thế nhưng khi thân tàu có những tiếng động lạ, hoặc diễn biến mới trên thực địa, không ai bảo ai họ vùng dậy vơ lấy dụng cụ tác nghiệp, chọn vị trí đẹp nhất trên boong tàu để tác nghiệp.

Cảm giác say sóng biến mất, thay vào đó là sự tập trung cao độ tác nghiệp. Người cầm máy ảnh, người cầm máy quay ghi những bức ảnh, thước phim sống động tố cáo cảnh tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm, húc vào tàu chấp pháp của Việt Nam. “Chứng kiến sự việc này, các phóng viên quốc tế đã nói với tôi, Trung Quốc quá hung hăng, ngạo mạn…” - phóng viên Phan Thanh Hải, báo Lao động kể lại.

Ở một hướng khác, 6 phóng viên (3 phóng viên ở miền Trung, 2 phóng viên ở Hà Nội, 1 phóng viên ở TP. Hồ Chí Minh) cùng ngư dân chung nỗi niềm, ngoài việc đưa tin thì ra thực địa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số này, phóng viên Hải Sơn, Cơ quan thường trú khu vực miền Trung của Đài TNVN; phóng viên Nguyễn Gia Tưởng, báo Nông thôn ngày nay là những người có nhiều năm trải nghiệm với bà con ngư dân.

Hồi tưởng về chuyến tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Gia Tưởng kể lại chi tiết cho chúng tôi nghe những vụ tàu Trung Quốc tấn công thuyền ngư dân Việt Nam. Đâm va nhiều và nguy hiểm là vậy, song ngư dân Việt Nam vẫn hết sức can trường, quyết tâm bám biển, bám ngư trường. Đối mặt với sự hung hãn của tàu Trung Quốc, những ngư dân lam lũ, chịu khó, chân chất, thật thà không có một một tấc sắt trong tay, họ chỉ có lưới, có cần câu, có ngư cụ. “Trong đoàn tôi đi công tác có 30 chiếc tàu cá thì đến ngày họ về chỉ có 2 chiếc là không bị đâm va, không bị ảnh hưởng đến độ an toàn của tàu bè” - anh Tưởng kể lại.

Đối mặt với tàu sắt Trung Quốc, phóng viên Hải Sơn không nề hà, sợ hãi, ngay lập tức mang máy móc lên nóc cabin để tác nghiệp. Thậm chí, anh còn động viên các ngư dân “cứ ngồi im, bình thản trước sự truy đuổi” để anh ghi lại những khung hình, ảnh đắt nhất. “Phải lấy được những khung hình và ảnh đắt trong những tình huống nguy hiểm nhất mà ngư dân mình phải đối mặt với tàu Trung Quốc, chứ không đơn thuần đi để viết tin, bài thông thường” - phóng viên Hải Sơn tâm sự.

Hầu hết các phóng viên khi đã ra tới Hoàng Sa đều mong muốn gửi về tòa soạn của mình những bản tin nóng bỏng, nhanh nhất, cập nhật thời sự nhất. Với điều kiện không có sóng điện thoại, không có internet, trên tàu chỉ có liên hệ bằng Vinasat, nhưng theo chỉ huy tàu thì hệ thống này chỉ liên hệ nội bộ tác chiến với nhau, không gọi ra ngoài được. Trong cái khó ló cái khôn, với lợi thế truyền tin, bài bằng âm thanh, phóng viên Thu Lan (Đài TNVN) đã đề nghị cho gọi về Đài chỉ huy, xin ý kiến để chuyển bản tin về, nhờ các anh ghi âm lại, rồi chuyển cho các phóng viên chương trình biển đảo của Đài sử dụng. Bằng cách này, bản tin đầu tiên của phóng viên Đài TNVN đã được chuyển về đất liền và phát trên sóng thời sự lúc 18h ngày 13/5/2014. “Ba phút rưỡi tin được chuyển về, nhưng rất ấn tượng với các anh em ở trên tàu” - phóng viên Thu Lan nhớ lại khoảnh khắc truyền tin nóng hổi từ hiện trường về đất liền.

Để truyền tin về tòa soạn, phóng viên Phan Thanh Hải, báo Lao động cho biết, anh phải thuê điện thoại vệ tinh của viễn thông quốc tế VNPT với mức giá đặt cược 1.500USD, sau đó thuê bao 300USD/tháng, cước phí 28.000 đồng/phút. Dù đắt đỏ là vậy, nhưng nó lại rất hữu ích khi tác nghiệp. Những tin tức, hình ảnh nóng hổi ngoài hiện trường đã được chuyển về tòa soạn, kịp thời chuyển tải tình hình thực địa cho độc giả.

  

Phóng viên Phan Hải, báo Lao động, đang truyền tin từ Hoàng Sa về tòa soạn

Những khoảng lặng trên biển

 

Ở vùng biển Hoàng Sa, nhà báo Phan Thanh Hải  có cảm giác rất gần gũi. Bởi nơi đó, anh có thể nếm được vị mặn của biển, nghe được cái hương của gió và cảm nhận được những tình cảm khắc khoải. Nếu như trước đây anh chỉ biết được những hình ảnh tươi đẹp, những câu chuyện bi hùng của Hoàng Sa qua ký ức của những nhân chứng từng sống và làm việc ở Hoàng Sa, thì nay anh được sống trên vùng biển ấy: “Tôi nghĩ ngay dưới thân tàu của mình có bao nhiêu mộ phần của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, rồi bao nhiêu mộ phần của ngư phủ miền Trung mà không phải bằng những câu chuyện kể, bằng những trang sách lịch sử, không bằng lễ hội khao lính mà mình như nghe được, chạm được qua cơn gió những đêm nó chạy vút qua thân tàu”. Những khoảng lặng như vậy thật quý hiếm. Nó như đánh thức tâm khảm của mỗi con dân Việt Nam.

Theo phóng viên Thanh Hải, ở Hoàng Sa, có những đêm rất bình yên, đẹp và thơ mộng. Có người làm thơ, có người câu cá thả mực, hay kể những câu chuyện ngay giữa vùng biển tươi đẹp này. Không khí yên bình ấy đột nhiên bị tàu Trung Quốc phá vỡ khi chúng rọi đèn, bắn súng nước, phun vòi rồng, đâm trực diện, thậm chí bạt phủ súng còn được dỡ hết ra và chĩa thẳng vào cabin tàu của chúng ta để uy hiếp. “Nhìn thấy hành động hung hăng ấy, cánh phóng viên thấy bức xúc, uất nghẹn, huống hồ những ngư dân của nước ta hằng ngày vẫn phải bươn chải ở vùng biển này để kiếm miếng cơm, manh áo” - anh Hải nói.

Vào thăm nơi ở của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư, những tấm ảnh vợ, con được dán trên đầu giường của các chiến sĩ thực sự làm anh Hải xúc động. Có chiến sĩ cảnh sát biển vì nhớ con quá mà mang cả đồ chơi của con ra với mình. Còn phóng viên Thu Lan thì khâm phục trước tinh thần thép của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư.

Trò chuyện với vị thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 8003, Thu Lan nhận thấy người chỉ huy mình đồng da sắt, kiên cường là vậy nhưng đằng sau vẻ rắn rỏi của anh lại phảng phất nét buồn. “Bố anh ấy đang bị ung thư giai đoạn cuối, nằm ở viện. Tất cả đồng nghiệp ở đất liền từ chỉ huy các cấp đều xuống thăm, động viên. Anh ấy được nghỉ phép thăm bố, nhưng vẫn xin ở lại đơn vị, chỉ huy tàu. Sự hy sinh thầm lặng ấy khiến tôi rất xúc động, khâm phục” - phóng viên Thu Lan tâm sự.

Ước mơ về những con tàu sắt

Qua những buổi tiếp xúc với các phóng viên tác nghiệp tại Hoàng Sa, chúng tôi nhận thấy tình cảm thân thương mà họ dành cho bà con ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Cuộc sống mưu sinh của bà con ngư dân không chỉ đơn thuần là đánh bắt cá, họ ra biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, thực trạng tàu của ngư dân Việt Nam nhỏ, sức máy yếu, chưa đủ an toàn về hàng hải cũng như điều kiện đánh bắt.

Đáng chú ý, bàn về vấn đề này, cách đây 5 năm, phóng viên Nguyễn Gia Tưởng, báo Nông thôn ngày nay có bài viết “Thèm về những con tàu sắt”. Anh Tưởng đã nêu rõ, lòng quả cảm của ngư dân chúng ta có thừa nhưng ngặt một nỗi tàu của ngư dân còn nhỏ và yếu trước tàu vỏ sắt của Trung Quốc. Bởi vậy, bài báo mong muốn ngư dân Việt Nam sẽ có những con tàu sắt, một để vươn khơi, hai là bảo vệ tính mạng của ngư dân, ba là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc./.