Tại thành phố Buôn Ma Thuột, địa phương đang áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các trường chọn hình thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn lẫn lo lắng với hình thức này, nhất là phụ huynh có con đang theo học ở cấp tiểu học.
Hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Nhung, ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột cố gắng sắp xếp công việc của mình để thay phiên nhau ở nhà túc trực, canh chừng việc học của 2 con: một cháu mới vào lớp 1, cháu còn lại lớp 3. Dù đã có sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các con học tập trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương nhưng vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Nhung không khỏi lo lắng.
"Vẫn biết học trực tuyến là giải pháp tốt nhất hiện nay, nhưng mới có 1 tuần học làm quen mà phát sinh nhiều vấn đề. Cháu nhỏ lớp 1 nên cha mẹ phải ngồi bên con trong suốt quá trình học. Nếu không bé sẽ lơ đãng, chạy lung tung chứ không chịu ngồi một chỗ. Cháu lớn thì thỉnh thoảng lại gọi chỉnh máy. Nếu kéo dài cách học này là không ổn”-chị Nhung chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Như Mai, có con vào lớp 4 tại trường tiểu học Ngô Quyền, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Tuần sau, con của chị mới học chính thức. Từ thực tế của năm học trước chị cho rằng, phương pháp học trực tuyến đang tồn tại nhiều bất cập, là "bài toán" khó đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
"Năm học trước, cuối học kỳ 2, bé nhà tôi làm quen với việc học trực tuyến. Hầu hết các buổi học trực tuyến các con đều cần phụ huynh dạy lại vì tỷ lệ tiếp thu kiến thức của con rất thấp. Nhưng thực tế không phải phụ huynh nào cũng có thể đồng hành cùng con, công việc rất bận rộn, không thể ngồi hàng giờ chỉ từng ly từng tí cho con được”- chị Nguyễn Như Mai cho biết.
Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thừa nhận, việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong những năm gần đây, các trường tiểu học ở thành phố Buôn Ma Thuột đã đáp ứng được yêu cầu khi chọn hình thức học trực tuyến. Để hỗ trợ triển khai học trực tuyến hiệu quả, ông Phạm Đăng Khoa cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất với các đơn vị viễn thông trong việc hỗ trợ các phần mềm và đường truyền học trực tuyến đến các trường. Cùng với đó, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn để giáo viên nắm được tinh thần học trực tuyến khi truyền đạt kiến thức đến học sinh.
"Trên tinh thần giáo viên tập trung vào những kiến thức cốt lõi, kiến thức cơ bản để các em nắm được kiến thức cốt lõi. Những kiến thức nào các em có thể tự học thì hướng dẫn cho các em tự học và có sự phối hợp giữa gia đình học sinh với thầy cô giáo và các nhà trường trong việc dạy học trực tuyến”- ông Phạm Đăng Khoa cho biết.
Đắk Lắk hiện có hơn 450.000 học sinh theo học ở các cấp học, riêng cấp tiểu học gần 190.000 em. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành giáo dục Đắk Lắk đang nỗ lực, chủ động xây dựng các phương án dạy và học hiệu quả nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa đảm bảo chuyên môn vừa phòng chống dịch hiệu quả. Vì vậy, dù còn những lo lắng băn khoăn của không ít phụ huynh, hình thức học trực tuyến vẫn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay./.