Từ ngày 15-21/3, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17, với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội” được phát động.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ Trung ương về nội dung này.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Một loạt Bộ, ngành đã tổ chức các hoạt động trước Tuần lễ. Ví dụ, Bộ Y tế tổ chức hội nghị gần như hội nghị Quốc gia với sự tham gia của 40 địa phương về tổng kết công tác vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp. Bộ Công an thì cũng có kế hoạch đổi mới và nâng cao năng lực phòng chống cháy nổ, cứu nạn trong các doanh nghiệp. Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì hợp tác với các nước ASEAN trong mạng lưới về an toàn vệ sinh lao động tổ chức hội nghị tại Vũng Tàu; rồi hợp tác với Hiệp hội Hầm mỏ thế giới cũng sẽ có một hội thảo.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức một số hội thảo trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác khác nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có Chương trình thi an toàn viên nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Hội Nông dân, Bộ Quốc phòng, Công thương, Xây dựng đều có các hoạt động hưởng ứng trước Tuần lễ. Và trong Tuần lễ, các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ được đẩy mạnh.
Sau Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần này, chúng tôi kỳ vọng các Bộ, ngành, các địa phương sẽ chỉ đạo tích cực hơn, sâu sát hơn đến tất cả các doanh nghiệp và người lao động trong việc nâng cao ý thức, bởi hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động diễn ra trong cả năm chứ không chỉ diễn ra trong một tuần.
PV: Đây là lần thứ 17, Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ được phát động, nhưng trong số 7 chỉ tiêu thống kê so sánh tình hình tai nạn lao động năm 2014 và 2013 có tới 6 chỉ tiêu gia tăng như: Số vụ, số nạn nhân, số người chết, số người bị thương nặng và số vụ có 2 người bị nạn trở lên. Ông lý giải thế nào về điều này?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trong báo cáo về tình hình tai nạn lao động năm 2014, số vụ tai nạn lao động tăng lên, số người chết cũng tăng lên. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được ở chỗ là đối với các vụ tai nạn lao động hoặc là số người chết, số người bị tai nạn thì thường ta quan tâm đến tần suất tai nạn lao động, được tính trên số lượng người trong tổng số người làm việc. Hiện nay, chúng ta đang có sự chuyển dịch về mặt cơ cấu kinh tế, những người chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng ngày một nhiều hơn.
Trong Bộ Luật lao động cũng như trong quy định hiện hành về an toàn vệ sinh lao động, chủ yếu mới chỉ điều chỉnh những người làm việc trong khu vực có quan hệ lao động. Khi mà nhiều người tham gia vào khu vực được điều chỉnh bởi Luật, số lượng tăng lên thì có thể số vụ tai nạn lao động cũng tăng lên và thậm chí số người chết cũng tăng lên, nhưng điều quan tâm ở đây là tần suất, khi mà tần suất tai nạn lao động, tần suất số người chết trong số lượng lao động hiện nay đang điều chỉnh theo Luật thì đều giảm (khoảng 3%/năm).
Nói thế không có nghĩa chúng ta hài lòng khi có thêm một vụ tai nạn lao động, có thêm 1 người chết. Điều đó, đòi hỏi các cấp chính quyền, công đoàn, người sử dụng lao động có ý thức hơn về công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như là cháy nổ để giảm thiểu những thiệt hại đó.
PV: Vậy đâu là giải pháp cần tập trung triển khai để có thể giảm thiểu tai nạn lao động trong thời gian tới, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động. Muốn làm được điều đó trước hết cần triển khai tốt công tác huấn luyện. Người sử dụng lao động cần được đào tạo qua các khóa huấn luyện, có thể là ngắn ngày để biết các quy định xung quanh công tác an toàn vệ sinh lao động.
Thứ 2 phải tổ chức được bộ phận chuyên làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. Hiện nay, quy định pháp luật đã có, nhưng chưa chắc họ đã tuân thủ một cách đầy đủ.
Thứ 3 là người sử dụng lao động cũng phải giáo dục được người lao động tuân thủ tất cả những quy định về an toàn vệ sinh lao động, về sử dụng những dụng cụ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn cho chính họ và sau đó là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, bởi bất kỳ vụ tai nạn lao động nào đều gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp, người lao động và gia đình của họ.
Bên cạnh đó, cần có công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra kiểm tra không có nghĩa chỉ là xử phạt mà thanh tra, kiểm tra là nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về an toàn vệ sinh động, phòng chống cháy nổ. Làm được như thế thì công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn chết người, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ mới có thể thành công.
PV: Xin cảm ơn ông./.