Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra, bên cạnh các bác sĩ đang ngày đêm cứu chữa, giành lại sự sống cho bệnh nhân thì cuộc chiến dập dịch "tin đồn, tin giả" trên không gian mạng cũng không kém phần quan trọng.
Những thông tin giả, sai sự thật lan truyền chóng mặt trên mạng khiến nhiều người hoang mang. |
"Có người bị nhiễm virus corona đang cách ly" hay "Hiện khu phố đã có 4 người bị nhiễm, đây là thông tin mật do người nhà trong bệnh viện tỉnh cung cấp"... Hàng loạt những dòng tin như vậy xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội những ngày qua, khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV bắt đầu xuất hiện.
Không chỉ tung tin đồn có người nhiễm bệnh, nhiều người còn bịa đặt những nội dung "nhảm" như ăn trứng gà trước 12h đêm có thể phòng bệnh, uống các loại thuốc thảo dược có thể miễn dịch. Nghiêm trọng hơn, có người còn dùng nền tảng mạng để chỉ trích ngành y hay làm giả giấy xét nghiệm virus dương tính mang tên chính mình để thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Chị Nguyễn Thu Trang, người dùng mạng xã hội cho rằng, quá nhiều thông tin giả trôi nổi, đan xen với thông tin thật. Đối với một số người dùng mạng xã hội có thể họ chỉ muốn sự chú ý, nhưng lại khiến cho mọi người hiểu sai cách phòng chống bệnh dịch.
“Nhiều người xung quanh tôi cũng có sự hoang mang vì những tin đồn như là có người nhiễm bệnh, tại địa phương có người chết. Trên facebook, nhiều người nói dùng thuốc này, thuốc kia có thể chữa khỏi bệnh nhưng tôi thấy những thông tin như thế không an toàn cho xã hội.’- anh Trần Thanh Tùng, người dùng mạng xã hội chia sẻ.
Tính đến nay, đã có hơn 170 người được các cơ quan chức năng triệu tập làm việc, buộc gỡ bỏ các thông tin sai và yêu cầu cam kết không tái phạm. Những người này thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh đến người già, đủ ngành nghề, cả bác sĩ, luật sư và có cả những người nổi tiếng như nghệ sĩ, ca sĩ... Nếu so sánh, số người nhiễm virus nCoV ở Việt Nam còn không bằng một phần nhỏ số người bị phạt vì tung tin giả về dịch bệnh, thì lại có một thực tế rất đáng buồn rằng không ít người dùng mạng xã hội chưa ý thức được những lượt like, share của mình lại gây hậu quả nặng nề, tạo thành một thứ "dịch bệnh" gây hoang mang cho hàng triệu người khác.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội. Chị Lê Minh Thu, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại Quảng Ninh cũng cho rằng: sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm cũng mang lại rất nhiều lợi ích khi người dân được tiếp cận lượng lớn thông tin từ các cơ quan hữu quan để chủ động đề phòng, không chủ quan trước dịch bệnh.
“Thông qua mạng xã hội, Bộ Y tế cũng như các cơ quan, chính quyền các địa phương có thể lan tỏa tin tức đến người dân một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, quan trọng là chính quyền các địa phương nên khuyến cáo người dân tham khảo thông tin trên mạng xã hội từ các kênh chính thống nào để tiện theo dõi và có sự tin tưởng cao”- chị Lê Minh Thu nói.
Một số kênh mạng xã hội, ứng dụng di động cung cấp thông tin chính thống cho người dân tỉnh Quảng Ninh. |
Hiện tại, Quảng Ninh - một trong những địa phương biên giới có nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh đã và đang tập trung cao độ trong công tác thông tin truyền thông. Bên cạnh báo chí, truyền hình và hệ thống phát thanh cơ sở tới từng xã phường, mạng xã hội cũng được sử dụng như một phương tiện truyền thông để các cơ quan chuyên môn gửi thông báo, khuyến cáo về dịch bệnh đến từng người dân một cách nhanh chóng qua Fanpage của các đơn vị trên Facebook, Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trên Zalo... cung cấp bản tin hàng ngày tới từng người dân. Ngoài ra còn có ứng dụng di động Smart Quảng Ninh; hệ thống tin nhắn thuê bao di động từ UBND tỉnh; các thông điệp trên hệ thống wifi miễn phí, cổng dịch vụ công; Tổng đài đường dây nóng,...
Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho rằng, bên cạnh các giải pháp của chính quyền, mỗi người dùng mạng cũng cần chung tay, tự nâng cao trách nhiệm của mình.
“Chúng tôi cũng xin khuyến cáo đến người dân, hãy có trách nhiệm, chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống để tạo môi trường thông tin lành mạnh, cùng với ngành y, cộng đồng xã hội có được sự chủ động nhất trong phòng chống dịch bệnh”- bà Lê Ngọc Hân cho biết.
Ngày 3/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định rõ hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Trong bối cảnh toàn xã hội chung tay phòng, chống dịch bệnh, mỗi người cần phải có ý thức tự tăng sức đề kháng với những tin giả, tin đồn bằng cách tìm kiếm, chia sẻ những thông tin thật sự chính thống và xác thực./.
Đưa tin sai về virus corona, nhiều người ở Nghệ An bị triệu tập