Sáng 2/6, tại buổi làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị cần sắp xếp, tinh gọn đầu mối, theo hướng thành lập các trung tâm “2 trong 1”, “3 trong 1”, giảm nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nhà nước. Số nhà giáo và cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục nhà nước là 91.555 người.
Tuy nhiên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục nhà nước chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhà nước và thị trường lao động. Hiện vẫn còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”; tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu”, còn tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư cơ sở vật chất thiết bị ở một số cơ sở giáo dục nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Lao Động-Thương binh và Xã hội |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động trung tâm dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp của hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tránh tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu”. Đồng thời, cần tập trung hình thành một số trường đào tạo nghề trọng điểm, chất lượng cao cho các dự án trọng điểm lớn, các thành phần kinh tế; tổ chức quy hoạch mạng lưới đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn ngành lao động, thương binh và xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong định hướng sắp xếp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần đặt mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề; tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó là tinh gọn đầu mối, theo hướng thành lập các trung tâm “2 trong 1”, “3 trong 1” nhằm giảm nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Đối với trường hợp thành lập mới, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta không tránh được chuyện sắp xếp, giải thể, sát nhập lại, nhưng có những trường hợp thành lập thêm. Nhưng muốn thành lập thêm mới phải tự chủ được luôn mới cho thành lập. Thứ hai, tăng tự chủ toàn diện, tự chủ tài chính theo nhiều mức độ. Thứ ba là vấn đề giá phí, vì tự chủ tài chính thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là phải chuyển phí thành giá và phải có lộ trình tính đúng, tính đủ vào giá”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong sắp xếp lại tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập phải tìm ra địa chỉ cụ thể, không nên chỉ đặt ra mục tiêu từng bước sắp xếp với các con số chung chung. Đồng thời, phải có tiêu chí để sắp xếp các đầu mối và biên chế, không thực hiện giảm hay tăng theo kiểu cơ học. Tương tự như vậy là nêu địa chỉ cụ thể ở các lĩnh vực, đơn vị có thể tự chủ được tài chính./.
Ngành Giáo dục quá tải đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
Chậm tự chủ, nhiều đơn vị sự nghiệp có tâm lý trông chờ ngân sách