Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thống nhất giao cho Bộ quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các bậc học nên được đưa về một cơ quan quản lý thống nhất sẽ thuận lợi hơn trong quản lý, đào tạo. Về phía Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, sẽ thực hiện theo quyết định của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ cấp mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Còn Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý hai bậc học giữa là trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

day_nghe_1_ssfi.jpg
 

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ xem xét, giao cho Bộ thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất sẽ chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hiện nay về Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Ở Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ chỉ để lại một đơn vị chăm lo đào tạo nghề ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho người lao động, đào tạo người thất nghiệp, tàn tật… thực hiện chức năng về chính sách bảo trợ xã hội của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Tờ trình lên Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên giao hệ thống đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Thực tế thời gian qua cho thấy, sự trùng lắp trong quản lý giữa hai Bộ đã gây ra nhiều bất cập về quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết: “Khi xét đến bài toán kinh tế trong giáo dục thì đầu tiên người ta phải bắt đầu từ bài toán hệ thống. Hệ thống giáo dục hiện nay chúng ta bị chia lẻ ra quá nhiều. Bây giờ tỉnh nào cũng có tới 4-5 trường. Mặc dù cơ sở giáo dục địa phương thì ngân sách tỉnh gánh nhưng mà theo tôi biết, gần như không có tỉnh nào kham nổi ngân sách đó được. Nếu chúng ta dồn hết vào một cơ cấu giáo dục chung để điều hành chung thì chúng ta sẽ có nguồn lực lớn để đầu tư. Chính vì vậy việc đầu tiên phải thực hiện trước khi thực hiện các cải cách là làm lại bài toán hệ thống, phải quy về một mối. Bởi vì do cơ cấu giáo dục của hệ thống giáo dục hiện nay xé lẻ nên việc đầu tư rất lãng phí”.

Ở hầu hết các quốc gia, việc quản lý giáo dục nghề nghiệp đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Hệ thống các bậc học đều thống nhất về một mối nên việc học liên thông nâng cao trình độ giữa các bậc học rất thuận tiện. Tuy nhiên, việc học liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học ở Việt Nam lại đang gặp khó khăn do hai Bộ quản lý chưa thống nhất chuẩn đầu ra ở các trình độ, do một bên đào tạo theo tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học, hoặc mô- đun với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau. Hậu quả là người học phải chịu thiệt trong quá trình công nhận miễn trừ những nội dung đã học khi theo học liên thông ở bậc học cao hơn. Liên thông khó khăn cũng gây ảnh hưởng đến công tác phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường nghề được đầu tư xây dựng khang trang nhưng không có người học.

Ông Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình nói: “Theo quan điểm của tôi, giáo dục đào tạo tất cả các bậc là phải đưa về Bộ Giáo dục- Đào tạo quản lý. Bởi vì học là học suốt đời, do đó phải có con đường rõ ràng để cho học viên, học sinh, sinh viên theo học. Nếu liên thông được thì hệ thống chương trình đào tạo của các bậc học là phải có sự thống nhất ngay từ đầu. Còn bây giờ để một phần là Bộ Giáo dục- Đào tạo, một phần là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, sau đó các em có thể liên thông để học thêm nữa thì vấn đề này rất khó phối hợp và làm cản trở quá trình học tập của học sinh cũng như làm hệ thống giáo dục của chúng ta không thống nhất”.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc giao cho Bộ nào quản lý bậc trung cấp nghề và cao đẳng nghề không quá quan trọng vì mỗi Bộ quản lý đều có ưu thế riêng. Vì vậy, không nên phân biệt cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp nữa mà điều quan trọng là các đơn vị quản lý phải thống nhất được chuẩn trình độ đào tạo trong cả hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra cho từng bậc học... để việc liên thông giữa các trình độ thuận lợi hơn và kiểm soát được chất lượng đào tạo.

Nếu chuyển lĩnh vực dạy nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nảy sinh bất cập trong việc tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, đào tạo nghề ở nông thôn...

Tại buổi tọa đàm báo chí do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, trả lời câu hỏi về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giao dạy nghề về Bộ này, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ giao cho Bộ nào thì đấy là trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện theo quyết định của Chính phủ.

Trong 42 năm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì lĩnh vực dạy nghề đã được khôi phục và phát triển. Trong thời gian vừa qua cũng đã gắn chặt với thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu lao động, gắn được với giảm nghèo, có thể nói là gắn trực tiếp với đối tượng mà ngành Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý. Ví dụ như người lao động trực tiếp, vấn đề dạy nghề cho người khuyết tật, cho đối tượng nghèo, vấn đề lao động nông thôn... Từ đó góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Qua đánh giá, Chính phủ thấy việc dạy nghề ở cơ quan nào mà góp phần cho việc phát triển thị trường lao động, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì sẽ do Chính phủ quyết định.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cũng cho biết, nếu Chính phủ tiếp tục giao dạy nghề cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì cơ quan này sẽ tiếp tục kế thừa kinh nghiệm của 42 năm quản lý lĩnh vực, cũng như khắc phục khó khăn, đáp ứng hơn nữa thị trường lao động, cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế đất nước./.