Ngày 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thị sát thực tế tại tỉnh Gia Lai chỉ đạo công tác chống hạn trước mắt cũng như lâu dài ở vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cùng các thành viên trong đoàn công tác của Chính phủ đã đi thị sát tại cánh đồng lúa nước bị hạn của bà con người Jơ rai làng Thơ Ga B, xã Chư Đôn, huyện Chư Pưh và đến thăm làng Bring 1, xã H’Bông, huyện Chư Sê, nơi đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

lua_nuoc_euyu_ywir.jpg
Hạn hán khắc nghiệt ở Tây Nguyên.

Tại cánh đồng lúa nước, già làng Siu Sanh, làng Thơ Ga B báo cáo với Phó thủ tướng: “Năm nay lúa bị nắng hạn chết hết rồi, không có đám nào thu hoạch được hết, đặc biệt năm nay là khó nhất, mất trắng hết. Đề nghị nhà nước nghiên cứu làm hồ chứa, sau này có nước tưới cho bà con.”

Tại hai ngôi làng dân tộc thiểu số, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên bà con nhân dân cố gắng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn; khuyên bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với hạn hán trong những năm tới.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, toàn khu vực có gần 140 hồ thủy lợi đã cạn nước, các hồ khác hiện chỉ còn khoảng 30-40% lượng nước theo dung tích thiết kế. Hạn hán đã làm khoảng 15.500ha lúa phải dừng sản xuất và mất trắng; hơn 42.300 ha cà phê và hồ tiêu bị hạn nghiêm trọng, nhiều diện tích đã mất trắng.

Dự kiến, đến cuối tháng 3 nếu không có mưa, diện tích cây trồng bị hạn sẽ lên tới 167.000ha, trong đó lúa nước là 14.600ha. Hạn hán cũng đã khiến hơn 28.000 hộ dân tại Tây Nguyên bị thiếu nước sinh hoạt và dự kiến số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới.

Các đơn vị quân đội như Quân khu 5, Quân đoàn 3 và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trong khu vực đã đưa lực lượng đi giúp dân về nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt hạn năm nay là đợt hạn lịch sử trong 90-100 năm tại Tây Nguyên. Trong vài tuần tới, hạn hán sẽ còn khốc liệt, thiệt hại sẽ tiếp tục gia tăng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Những gì đang diễn ra là hệ quả của một đợt El nino dài nhất trong lịch sử nhân loại ghi nhận được. Và những gì chúng ta nhìn thấy đến hôm nay là rất nghiêm trọng nhưng mà những gì sẽ diễn ra trong những tuần tới của tháng 3, đặc biệt là tháng 4 và tháng 5 có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn và có thể chưa tưởng tượng ra hết.”

Hiện tại, các địa phương như Gia Lai, Kon Tum, rủi ro thiên tai do hạn hán đã ở sát cấp độ 2 và cấp độ 3. Các tỉnh trong khu vực đang căng sức phòng chống hạn. Tuy nhiên, so với mức độ khốc liệt của thiên tai, nguồn lực cho công tác phòng-chống của các địa phương là rất hạn chế, cần đến sự hỗ trợ của trung ương cả ở trước mắt và về lâu dài.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói: “Đề nghị với Chính phủ trước mắt hỗ trợ cho tỉnh khoảng 31 tỷ đồng, chủ yếu để giúp cho nhân dân chở nước, cung cấp nước, mua xăng dầu nạo vét kênh mương, nạo vét lòng hồ, giếng… để xử lý các nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Vấn đề nữa là trong năm 2016 và 2017, Chính phủ giúp cho tỉnh xây dựng 2 công trình thủy lợi với tổng kinh phí 450 tỷ đồng.”

Qua thị sát thực tế và nghe các bộ ngành, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Trước hết, các địa phương cần phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của nhân dân, không để một hộ dân nào bị thiếu đói, thiếu nước uống, đau ốm, bệnh tật vì hạn hán.

Các tỉnh cần tập trung cứu những cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu để đảm bảo thu nhập cho nhân dân. Về lâu dài, cần điều tra, quy hoạch nguồn nước của Tây Nguyên, nghiên cứu đầu tư, xây dựng  sửa chữa các hồ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khu vực; có các giải pháp tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo, trong giai đoạn này các công trình thủy điện cần ưu tiên nguồn nước chống hạn cho dân, nếu cần thiết, có thể dừng phát điện. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần vào cuộc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tình hình hạn hán nghiêm trọng và sắp đến còn kéo dài. Do đó, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các các cấp là phải tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại, không để thiệt hại quá lớn xảy ra. Đặc biệt, không để đói, không để bệnh tật, không để tái nghèo, nhất là đảm bảo nước uống cho dân. Trên tinh thần như vậy, tôi đề nghị các đồng chí rà soát lại các công việc liên quan, đi sát thêm cơ sở, sát dân, chủ động kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, khắc phục tốt nhất, hạn chế nhiều nhất thiệt hại ở những vùng hạn hán xảy ra.”./.