Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, lũ lớn. Một số điểm trên đê tả sông Chu, đê hữu sông Mã, đê hữu sông Cầu Chày… bị sạt lở, vỡ, nứt mặt đê. Đặc biệt, một số tuyến đê đã bị tràn, vỡ như: Đê hữu sông Cầu Chày xã Định Tăng, huyện Yên Định, đê tả sông Cầu Chày xã Yên Tâm, huyện Yên Định, xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân, đê sông Mậu Khê, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, toàn bộ các tuyến đê bao, đê bối của huyện Nông Cống, đã gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan ở trung ương và địa phương, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng quân đội, công an của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc; phương châm “bốn tại chỗ” được người dân và toàn hệ thống chính trị tự giác nhận thức và hành động; công tác ứng phó chủ động, kịp thời, sáng tạo. 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ; kịp thời khắc phục hậu quả, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.

vov_lu_wijk_yqdx.jpg
Mưa lũ trên diện rộng ở Thanh Hóa.

Không được lơ là, chủ quan

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ và các cơn bão tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo, thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, không được lơ là, chủ quan; tiến hành tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều, hồ chứa; khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch; chủ động sử dụng kinh phí dự phòng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống, đặc biệt là các gia đình chính sách, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu đói; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, khắc phục thiệt hại; làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các tuyến quốc lộ; kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.  

Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện; chỉ đạo cung ứng hàng hóa thiết yếu, củng cố, tổ chức lại thị trường nông sản để khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn sau bão, lũ, không để tình hình phức tạp xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Bộ Y tế hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở triển khai lực lượng tổ chức khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh./.