Hết kinh phí dự phòng khiến công tác chống dịch bị động, gặp nhiều khó khăn là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với quận Bình Tân về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn.
Đề cập những khó khăn trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đại diện một số phường ở quận Bình Tân cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch, ví dụ như lực lượng phun thuốc xịt muỗi. Hiện nay, lực lượng này được huy động bằng tinh thần tự nguyện, song nếu không có nguồn kinh phí, về lâu dài sẽ khó để huy động nguồn lực tham gia. Bên cạnh đó, lực lượng sinh viên y khoa đang hỗ trợ tại trạm y tế phường cũng tham gia tuyên truyền phòng chống dịch, cùng đoàn kiểm tra những điểm nguy cơ sốt xuất huyết, góp phần kéo giảm tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng cần được hỗ trợ. Ngoài ra, một số địa phương như phường An Lạc, phường Bình Trị Đông, phường Bình Hưng Hòa A thiếu nhân viên y tế ở trạm, những nhân viên y tế cùng lúc phải thực hiện nhiều chương trình khác rất nặng nề.
Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, việc thiếu kinh phí chống dịch khiến địa phương bị động. Cụ thể, trước khi chưa thực hiện chính quyền đô thị, phường vẫn có nguồn kinh phí kết dư. Cùng với đó, trong thời gian chống dịch COVID-19 được cấp tiền chống dịch. Tuy nhiên sang năm 2022, nguồn kinh phí không còn được cấp và phường không có nguồn dự phòng để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn, đặc biệt là công tác phòng chống dịch rất bị động. Trong khi đó các hoạt động tuyên truyền, phun xịt ổ dịch, ra quân vệ sinh môi trường… đều cần kinh phí để hoạt động.
“Làm sao để hỗ trợ nguồn kinh phí cũng như nguồn cán bộ phường, cán bộ y tế. Công tác chống dịch được cho là chống dịch như chống dịch, tuy nhiên nếu không khéo thì sẽ rơi vào như năm 2021, dịch tới nhưng con người không có, kinh phí không có thì rất là bị động”- ông Nguyễn Văn Ngân cho biết.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, sau khi thực hiện nghị quyết về cơ chế chính quyền đô thị, không riêng Bình Tân, mà tại 16 quận huyện thực hiện chính quyền đô thị, việc phân bổ kinh phí được thực hiện theo định mức. Do các quận huyện không còn HĐND để quyết định ngân sách, và quận cũng không có các khoản tăng thu để thực hiện nhiệm vụ phát sinh. Vì vậy, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP bố trí gói điều hành ngân sách cho 16 quận huyện này.
Đối với Bình Tân, vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh dự toán chi và tăng thêm để Bình Tân phân bổ cho phòng chống dịch. Tới đây, nếu các đơn vị vẫn thiếu kinh phí, Sở Tài Chính sẽ đề nghị UBND trình HĐND duyệt bổ sung cho Bình Tân cũng như các quận huyện khác.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu Sở Tài chính, Sở Y tế TP.HCM cùng phối hợp để đảm bảo nguồn kinh phí chống dịch và các hoạt động không bị thiếu hụt. Đặc biệt, ông Nên nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng y tế rất vất vả. Vì vậy, trong phạm vi trách nhiệm, Thành phố sẽ làm hết sức, tăng cường lực lượng (mới ra trường), tìm nhiều chính sách khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần nhân viên y tế./.