Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ trở về nước. Pác Bó, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là nơi đầu tiên Bác sống và làm việc để lãnh đạo Cách mạng. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được xem như bảo tàng sống động, lưu trữ tư liệu, hiện vật gắn liền với giai đoạn non trẻ của cách mạng Việt Nam, với cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới chân núi có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lê Nin. |
"Tôi hoạt động cách mạng với Bác Hồ. Các điểm để súng đạn ở đâu là tôi biết hết. Địch vào thì tôi bảo là con lợn ăn rau. Tôi thuộc tổ dân quân tự vệ tập 121 ở trên đồi Cò Giặt, cất giữ súng đạn xong rồi vận chuyển lương thực vào hang. Lúc đấy tôi bảo có địch đến thì chuyển cơm từ đây đi đến chỗ Cầu Mãng, Thủy Điệp. Tôi cũng thường thường đi vào đó để ôn lại lịch sử và tưởng nhớ Bác"- bà Hoàng Thị Khìn kể.
Hang Cốc Bó. |
Khu di tích Pác Bó đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 10/05/2012. Trên ngọn núi Tếch Chấy, ngôi đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được bà con hương khói quanh năm, ngày ngày du khách cũng đến để thắp nén hương thơm tưởng nhớ Người. Hơn 8 năm được giao nhiệm vụ giữ gìn, trông nom đền thờ Bác, chị Bế Thị Mai, một người con dân tộc Tày chia sẻ về những kỉ niệm đáng nhớ mỗi khi đón tiếp các đoàn khách đến thăm Bác. Kỉ niệm khó quên nhất của chị là về một đoàn khách gồm những người từng là tù nhân chính trị tại Côn Đảo.
Bàn đá bên suối, nơi Bác Hồ làm việc. |
Từ khoảng năm 1960 đến nay, khu di tích lịch sử Pác Bó đã được đầu tư xây dựng, cải tạo và bảo tồn, tôn tạo nhiều hạng mục, góp phần quan trọng trong việc tôn vinh giá trị di tích lịch sử.
"Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Pác Bó sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban quản lí dự án công trình công nghiệp dân dụng tỉnh để tiếp tục đề xuất những phương án đầu tư, tôn tạo các di tích đã xuống cấp và các khu vực di tích đầu nguồn để làm sao khách du lịch sẽ được trải nghiệm và đến tham quan những điểm đầu nguồn, được trở về đúng với giai đoạn thời kì 1941 - 1945 khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về hoạt động tại đây"- ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cho biết.
Quần thể di tích Pác Bó đã trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam. Nơi đây còn là địa điểm du lịch tham quan thú vị cho những ai yêu mến cảnh quan núi rừng, muốn tìm lấy một cảm giác lắng đọng chốn thâm sơn cùng cốc hay những người muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng hào hùng của Bác và bà con bản Pác Bó, kiên cường và bất khuất./.
Pác Bó có gì lôi cuốn du khách?