Bày tỏ quan điểm xung quanh việc chuyển từ "thu phí" sang "thu giá" BOT, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cơ quan quản lý phải làm cho rõ tính giá hay tính phí.

gia_bot_uswk.jpg
Trạm thu giá cao tốc Nội Bài - Lào Cai

ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, các trạm BOT giao thông tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhưng gần đây lại xuất hiện thuật ngữ "thu giá BOT" và tên gọi các "trạm thu phí BOT" cũng được chuyển thành "trạm thu giá BOT". Ông Dương Trung Quôc cho rằng, sở dĩ có việc này, nguyên nhân là thiếu minh bạch, thiếu công khai.

"Bây giờ có rất nhiều điều kiện công khai sao không làm. Ví dụ như bảng điện tử, đầu tư bao nhiêu, ngày hôm nay thu được bao nhiêu tiền? Nếu làm như vậy sẽ minh bạch hơn... Lợi ích của nhà đầu tư, của doanh nghiệp phải trên cơ sở minh bạch, công bằng cho cả nhà đầu tư và người dân", Đại biểu đoàn Đồng Nai góp ý.

ĐBQH Dương Trung Quốc thẳng thắn bày tỏ: Đường không phải là sở hữu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư hiện nay chỉ bỏ một lượng tiền nâng cấp, tăng giá trị lên thì là thu phí. Nếu là đường của doanh nghiệp mới là giá, nhưng họ chỉ đầu tư một phần như là đóng góp cổ phần giá trị của sản phẩm, họ không phải sở hữu nên không thể gọi là giá được.

ĐBQH Dương Trung Quốc
"Vấn đề không phải là đổi tên mới mà phải cố gắng xử lý thỏa đáng một số trạm BOT bị cho là đặt sai chỗ hoặc có mức thu chưa đúng, bị coi là chưa minh bạch như phản ánh", đại biểu Dương Trung Quốc nêu rõ.

Giải thích cho vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, nếu chuyển sang thu giá thì doanh nghiệp sẽ chủ động linh hoạt hơn. Ví như nếu chuyển sang thu giá thì doanh nghiệp giảm giá thu BOT sẽ không cần xin nhiều các cấp mà chỉ cần qua Bộ quản lý? "Tôi cho rằng ít có khả năng giảm giá vì với doanh nghiệp họ muốn an toàn nhất và muốn thu hồi vốn nhanh nhất, và như vậy họ luôn muốn điều chỉnh tăng chứ không phải giảm", ông Dương Trung Quốc phân tích.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải: Phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác. Việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT sẽ linh động hơn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Tuy nhiên, có những sự nhập nhằng cần phải làm rõ, Bộ trưởng GTVT nói vậy, nhưng tại các dự án BOT hiện nay, sau khi các trạm thu phí BOT bị rầm rộ phản đối trên cả nước thì doanh nghiệp BOT lại phải làm tờ trình lên Bộ GTVT xin điều chỉnh giảm phí, Bộ GTVT xem xét chấp thuận rồi chuyển văn bản sang Bộ Tài chính để điều chỉnh phương án tài chính….

Vậy bản chất của nó có cũng không khác điều chỉnh thu phí. Hơn nữa, về lý mà nói, doanh nghiệp BOT là ông chủ (bỏ tiền ra đầu tư) nhưng không được quyền tự quyết, mà "ông chủ" thật sự lại là Bộ GTVT.

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí 2015, ngoài phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá sử dụng đường bộ, còn 16 loại phí khác được chuyển thành giá sản phẩm dịch vụ, gồm: Thủy lợi phí (chuyển thành: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi), phí chợ (giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), phí qua đò, qua phà (giá dịch vụ sử dụng đò, phà), phí sử dụng cảng, nhà ga (giá dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga), phí trông giữ xe (giá dịch vụ trông giữ xe), phí kiểm dịch y tế (giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng…/.