Theo Luật sư Đăng Quang (Văn phòng Luật sư Đăng Quang và cộng sự, đoàn Luật sư Hà Nội), Thông tư số 57 của Bộ công an quy định ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa mini là chưa phù hợp. Bởi thứ nhất,  thực tế, Việt Nam là nước nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm. Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới trên 40 độ C, trong khi hầu hết xe ô tô đều không được đỗ trong gara có mái che mà “đậu” ở bãi, lòng đường, hè phố… nhiệt độ trong xe bị “om” đến 70 độ vào những ngày nắng nóng cao điểm. Với điều kiện khí hậu như vậy, theo các nhà chuyên môn việc trang bị bình cứu hỏa mini trong xe ô tô cá nhân là chưa phù hợp. Trong trường hợp xảy ra nổ bình, gây thiệt hai về người và tài sản thì sẽ bắt đền ai? Thiệt hại này có được cơ quan bảo hiểm chi trả? Nếu như vậy thì trong danh mục mua bảo hiểm sẽ phải có thêm một đầu mục nữa là “Bảo hiểm cho bình chữa cháy mini”?

Thứ hai, các hãng sản xuất xe ô tô trên thế giới đã nghiên cứu kỹ những nguyên nhân gây cháy nổ ô tô và những biện pháp phòng chống cháy nổ, tuy nhiên chưa thấy họ thiết kế bình chữa cháy trên xe ô tô, hẳn phải có lý do. Lợi bất cập hại, vì khi xe ô tô bị cháy nguyên nhân thường do chập điện hoặc dò gỉ ống dẫn xăng gây cháy. Khi bị cháy bình nhiên liệu sẽ bị nổ, xăng bắn tung tóe gây nhiều hệ lụy cho con người. Liệu người đứng cứu xe có tránh được nguy hiểm đến tính mạng hay cần phải tránh đến nơi an toàn nhất.

Theo Luật sư Đăng Quang, lẽ ra trước khi ban hành Thông tư 57, Bộ Công An cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học để được biết tính chất lý hóa của bình cứu hỏa, những hệ lụy xảy ra khi nhiệt độ trong xe lên đến trên 60 độ, 70 độ C để từ đó đưa ra những quy phạm pháp luật nhằm tránh những nguy hiểm cho xã hội. Ngược lại thông tư mang quy phạm bắt buộc thi hành nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi roc ho người thi hành. Thiết nghĩ cần phải xem xét lại thông tư này  nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trước đó, chiều 12/1, Thượng tá Đỗ Thanh Hải - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (C66) trả lời báo chí cho biết: “Từ khi Thông tư 57/2015 có hiệu lực, đa số người dân cùng các cấp ngành đều ủng hộ. Khi mua một bình cứu hỏa, nếu trong nhà xảy ra sự cố có thể lấy ra để dùng hoặc đang đi trên đường, khoảng chục người cùng dùng bình để chữa cháy cho một xe thì rất hiệu quả”. 

Cũng liên quan nội dung này, một lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC khẳng định sẽ không đề xuất dừng hoặc điều chỉnh quy định tại Thông tư 57./.