Thông tư 57 của Bộ Công an đã có hiệu lực được 2 ngày (từ 6/1). Theo đó, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trước khi có hiệu lực và sau hai ngày đầu tiên văn bản này có hiệu lực đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa phần cho rằng không khả thi, không hiệu quả, chỉ có lợi cho những người bán bình chữa cháy mini.

binh_chua_chay_rntv.jpg

Thực tế hai ngày vừa qua lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra và chủ yếu nhắc nhở các bác tài xế. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện Thông tư này, nhiều người đã thấy được những bất cập mà các nhà ban hành luật cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế.

Trước tình hình gia tăng ô tô, xe máy đang đi trên đường… bỗng dưng bốc cháy nên việc tìm giải pháp để hạn chế, ứng phó với tình huống nguy hiểm này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, các vụ cháy xe ô tô và xe máy vẫn chưa được các cơ quan chức năng có câu trả lời chính xác nguyên nhân do đâu. Chính vì thế việc áp đặt trang bị thêm một bình chữa cháy mini trên xe khiến nhiều người cho rằng không hiệu quả, không thiết thực.

Khi thực hiện qui định mới thì một bất cập nữa mà ai cũng nhìn thấy đó là thị trường bình chữa cháy mini “muôn hình vạn trạng”, không có sự kiểm soát, quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. Mọi hướng dẫn đều rất chung chung, dựa vào cảm quan, kinh nghiệm là chủ yếu. Trong khi đó, người đi mua thì mù mờ, ra cửa hàng “vớ” được cái nào ưng mắt thì mua còn không biết công dụng, hiệu quả ra sao. Thực tế, đã có trường hợp mua bình chữa cháy mini trong siêu thị  để bảo vệ “xế sang” của mình nhưng bình lại phát nổ nên khiến nhiều người càng hoang mang khi “rước” một quả bom nổ chậm lên xe.

Trong lúc “tranh tối, tranh sáng”, chưa có qui định cụ thể nào về kỹ thuật thì người có lợi nhất là những người kinh doanh bình chữa cháy. Còn thiệt thòi vẫn là người có ô tô, là dân. Bởi họ “dở đi mắc núi, dở lại  mắc sông”, kiểu gì cũng “chết”. Mua bình thì tốn kém, chưa biết hiệu quả, chẳng may mua phải bình “rởm” thì sao? Không mua thì chẳng may công an “tuýt” thì bị phạt.

Theo khuyến cáo, bình mini chỉ có hiệu quả khi xử lý những đám cháy vừa mới bùng phát hoặc đám cháy nhỏ. Còn đối với các đám cháy lớn, cách tốt nhất là nên tìm sự giúp của mọi người xung quanh hoặc lực lượng chữa cháy. Các vụ cháy ô tô, xe máy thời gian qua thường là “vô phương cứu chữa” và khi xảy cháy việc đầu tiên của những người trên xe là tìm cách thoát thân. Trong trường hợp chẳng may xảy cháy, nếu không kịp “vớ” bình thì đây còn là hiểm họa gây nổ, nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, trong Thông tư của Bộ Công an cũng quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 - 55 độ C. Thế nhưng, thực hiện được qui định này cũng là một bài toán khó, vì vào những ngày trời nắng nóng, nếu đỗ xe ngoài trời, có khi nhiệt độ lên tới trên 70 độ C, khi ấy nếu xảy ra tình trạng nổ bình chữa cháy, gây thiệt hại về tài sản của người dân thì ai là người chịu trách nhiệm? Hay để bảo đảm an toàn trong những ngày nắng nóng như vậy, khi xuống xe thì ... xách theo bình?

Và cũng có thông tin, nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận. Nếu đây là sự thật thì lại là một điểm bất cập nữa của Thông tư, trái với các qui định liên quan đến đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. 

Thiết nghĩ, thay vì bằng chế tài, cơ quan PCCC nên coi đây là một khuyến nghị dành cho các lái xe./.