Hiện nay, trong khoảng 4 triệu Việt kiều định cư ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở các nước phát triển, có khoảng 400.000 trí thức được đào tạo rất bài bản về chuyên môn ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về khoa học - công nghệ, về quản lý kinh tế. Để phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, cần tranh thủ tối đa lực lượng trí thức Việt kiều hùng hậu này.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cùng với việc tranh thủ tối đa lực lượng này, thì cũng phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất để họ có thể làm công tác nghiên cứu cũng như bảo đảm cuộc sống cho họ để họ chỉ tập trung vào chuyên môn.
Thực tế đang cho thấy, chúng ta đứng trước cơ hội to lớn từ việc tiếp nhận các tri thức từ các nước phát triển thông qua đội ngũ trí thức trẻ hiện nay. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, về logic đúng là như thế, trên thực tế thì cơ hội chỉ mới bắt đầu. Trước mắt, chúng ta cần giải quyết được mâu thuẫn hiên nay đó là những trí thức được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt ở những nước tiên tiến và những trường đại học hàng đầu rất đông nhưng họ đi học bằng nguồn tự túc chứ không phải bằng học bổng của Nhà nước. Những người này sau khi học xong họ có quyền được chọn việc làm.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, "tuy số trí thực xuất sắc về nước làm việc hiện chưa nhiều, nhưng đây là tiềm năng lớn, chúng ta, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải có cơ chế, có giải pháp để có thể sử dụng đội ngũ ấy, mà họ không cần phải về làm việc ở trong nước".
Chia sẻ với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam dẫn ví dụ cách đây 10 năm, thành phố Hồ Chí Minh thành lập 2 đơn vị, những người đứng đầu 2 đơn vị đó đều là những Việt kiều. Lãnh đạo của các đơn vị này chủ yếu làm việc qua mạng, mỗi năm chỉ về nước một thời gian nhất định. Tuy nhiên Trung tâm này vẫn hoạt động tốt và thu hút được đông đảo trí thức người Việt ở nước ngoài cùng làm việc. Một đơn vị nữa đó là Trung tâm Công nghệ sinh học Hồ Chí Minh. Giám đốc của Trung tâm này là Việt kiều ở Canada. Khi được lãnh đạo TPHCM trao đổi và đặt hàng, Việt kiều này ngay lập tức đã bán nhà cửa, xe cộ ở bên đó để về Việt Nam làm việc. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, có thể nói, trung tâm này đã có một vị thế khá tốt, có điều kiện để đóng góp lâu dài.
“Một ví dụ điển hình nữa đó là GS Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields của Hiệp hội Toán học quốc tế. Mặc dù vẫn làm việc ở Mỹ, nhưng vị Giáo sư này vẫn dành 3 tháng một năm về nước làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam với tư cách Giám đốc khoa học. Dẫn ra những trường hợp điển hình như vậy để thấy rằng, chỉ cần chúng ta có đặt hàng, có đãi ngộ và tạo cho họ có môi trường làm việc tốt, thì họ vẫn có thể làm việc, cống hiến cho nước nhà mà không cần phải về nước”, Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.