Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng trầm trọngNgày 25/9, tại Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản (TCTS) phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức hội thảo “Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản”.Theo báo cáo, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa với tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương ước tính từ 0.28 đến 0.73 triệu tấn mỗi năm (Jambeck, 2015). Rác thải nhựa đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Khoảng 70% nhựa mảnh lớn trên biển và 46% Đảo rác lớn Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ (Greenpeace, 2019). Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất. Tại tỉnh Quảng Ninh, lượng rác thải xốp sử dụng cho nuôi lồng bè chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi, số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 xốp. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Ban quản lý vịnh Hạ Long, số lượng rác thu gom được ngoài vịnh với hơn 350 tấn, nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế phao xốp hoặc gia cố phao xốp thì vấn đề ô nhiễm rác xốp trên biển sẽ ngày càng trầm trọng”.Theo ông Công, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh đi tiên phong khi ban hành Quy chuẩn địa phương về phao nổi cho ngành thủy sản tại Quyết định số 31, đẩy mạnh giám sát chặt chẽ, giúp giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện với môi trường.
Trong thời gian qua, vấn đề rác thải nhựa đại dương nói chung và rác thải nhựa trong thủy sản nói riêng là vấn đề lớn được nhiều địa phương quan tâm, ngoài ra cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự chung tay phối hợp của các tổ chức phi chính phủ và nhiều chuyên gia, nhà khoa học về quản lý môi trường, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhiều dự án thí điểm, nghiên cứu công nghệ, vật liệu mới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đã được các bên phối hợp triển khai trên quy mô khác nhau.Ông Jake Brunner – Giám đốc IUCN khu vực Indo-Burma là một trong những đơn vị tiên phong trong vấn đề này tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã có nhiều sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã và đang được thí điểm và triển khai ở các nước trên thế giới và trong đó có Việt Nam, thay vì cấm đánh bắt cá, đẩy lùi các mô hình kinh doanh liên quan đến nhựa, chúng ta có thể ứng dụng những biện pháp mang tính hiệu quả hơn về mặt tài chính đồng thời giảm rác thải nhựa, hướng đến phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chúng ta nên tạo ra cơ chế phát triển bền vững hơn trong việc phát triển nghề cá gắn với bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất muốn đồng hành với chính phủ Việt Nam để cùng nhau cố gắng bảo vệ môi trường biển, cùng nhau tìm kiếm những cơ hội kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường biển”.“Có lúc thu hoạch rác thải nhựa nhiều hơn số lượng cá”Trong khuôn khổ của hội thảo, Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra những định hướng quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản đến năm 2025, thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương. Phấn đấu trong những năm tới có thể giảm thiểu tới 50% rác thải nhựa địa phương, 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mắc hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom,…
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói chung và rác thải nhựa thủy sản nói riêng đang ngày càng ở mức báo động, thậm chí có những nơi trở thành vấn nạn. Có lúc người dân thu hoạch rác thải nhựa nhiều hơn số lượng cá thu được. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các bên liên quan, các tổ chức hoạt động về môi trường trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu, và các doanh nghiệp thảo luận kế hoạch hành động đồng thời đưa ra các cam kết tự nguyện cùng thực hiện để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam. , Tổng cục Thủy sản sẽ đồng hành cùng với ngư dân, tuyên truyền trên 28 tỉnh thành ven biển, để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, các kinh nghiệm quốc tế và địa phương về giảm rác thải nhựa trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã được chia sẻ, từ đó kêu gọi các cam kết tự nguyện từ các bên liên quan. Trong khuôn khổ buổi Hội thảo đã diễn ra lễ ký cam kết tự nguyện giữa các bên về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản và các đại biểu cũng đã được tham gia thực địa tại Hợp tác xã Vạn Chài ở Vịnh Hạ Long để tham quan mô hình nuôi trồng thủy hải sản thân thiện với môi trường, sử dụng sơn Line-X để hạn chế các phao xốp tại các lồng bè nuôi thủy hải sản bị vỡ nhỏ.Tiếp nối “Biên bản Ghi nhớ” hợp tác giữa IUCN và Tổng cục Thủy sản được thực hiện trong giai đoạn 2015 đến 2020, Biên bản Ghi nhớ giai đoạn mới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác: (1) Triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; (2) Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các Khu Bảo tồn biển; (3) Hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và thiết lập cơ sở khoa học cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi Thủy sản; (4) Quản lý và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; và (5) Quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản./.