Sáng nay (10/9), tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức”.

bo-truong-cao-duc-phat.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội thảo Biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, ở nước ta việc phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trên 43%; trong đó canh tác lúa nước gần 58%, sử dụng đất nông nghiệp chiếm 22%, chăn nuôi và chất thải chăn nuôi chiếm 12%. Nhằm đối phó với tình trạng này, trong giai đoạn từ năm 2008-2012, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần hạn chế sự gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Qua đó, những biện pháp đã được triển khai như chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu như: Xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; Cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hai sản; Đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thàn phố lớn…

Phát biểu tại Hội thảo, bà HE. Madam Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam thực hiện trong thời gian qua.

Bà HE. Madam Pratibha Mehta cho rằng, Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình giảm khí thải nhà kính đến năm 2020. Do vậy, cần có những hành động cụ thể hơn nữa, tập trung hơn vào các ngành lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi để người nong dân thấy được kết quả tích cực từ thay đổi công nghệ và tập quán sản xuất để triển khai chương trình được hiệu quả.

Bà HE. Madam Pratibha Mehta nói:  Năng lực thể chế và nguồn nhân lực rất quan trọng để giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu. Ở các cấp độ sẽ tạo ra những cơ hội, nên cần phải xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, thu thập được những kiến thức cũng như kinh nghiệm, giải quyết hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Văn phòng biến đổi khí hậu của Việt Nam cần tăng cường hơn nữa năng lực, chuyên môn, trao đổi cũng như đưa những khung chương trình hành động ứng phó vào chiến lược trong tương lai./.