Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghé vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương để thắp nén hương tri ân. Trong số những người đến với nghĩa trang, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hình ảnh người thương binh khập khiễng thắp hương các phần mộ. Hỏi ra mới biết, đó là thương binh 2/4 Nguyễn Văn Lơ. Đoạn đường từ nhà riêng ở phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh không xa nên ông thường xuyên ghé thăm, tâm sự để những người nằm xuống thấy “ấm lòng”.
Qua trò chuyện, chúng tôi biết được, các phần mộ liệt sĩ nơi ông đứng cũng chính là những đồng đội cùng chiến đấu, hy sinh và được ông đưa từ các nơi về “mái nhà chung” này.
Ông Lơ nhớ lại, năm 17 tuổi, ông thoát ly gia đình, tham gia cách mạng và phục vụ ở đơn vị đặc công biệt động C65 của Bình Dương. Với vai trò là Tiểu đội trưởng Đội đặc công biệt động C65, ông cùng anh em chiến đấu quên mình, đặc biệt tham gia trận Mậu Thân năm 1968 vào ngày mùng 8 Tết tại Chánh Nghĩa (Bình Dương). Trong các trận đánh, nhiều đồng đội cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu hy sinh đã được ông và người dân chôn cất.
Cuối năm 1968, trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị thương và được chuyển sang đơn vị hậu cần D2-70 E92 đóng ở đất bạn Campuchia. Năm 1970, đơn vị hậu cần bị phục kích, ông bị chấn thương đầu và được đưa về Bệnh viện Quân y 109 ở Vĩnh Phúc điều trị. Sau khi khỏi bệnh, ông về làm Giám đốc trại cải tạo lao động tỉnh Bình Dương. Năm 1990, ông giữ chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lâm sản xuất khẩu Bình Dương.
Gác lại câu chuyện bản thân, ông nói về hành trình đi tìm đồng đội. Ông kể: “Ngày xưa cùng kháng chiến, chúng tôi thường đùa với nhau ai còn sống trở về sẽ tìm nhau, người hy sinh sẽ được đồng đội đi tìm hài cốt đưa về quê hương”.
Đến năm 1977, ông biến lời hứa đó thành hiện thực khi một mình vác ba lô đi tìm đồng đội đã yên nghỉ.
Cũng từ đó đến nay, ông đã quy tập được trên 200 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, trong số đó có cả những đồng đội ở đơn vị đặc công biệt động C65. Ông Lơ nghẹn ngào, mỗi lần tìm thấy được một hài cốt thì niềm vui không gì có thể diễn tả nổi, những kỷ niệm ngày chiến đấu cứ thế ùa về: “Anh em ngày xưa mình cùng chiến đấu, có thể chiều ăn cơm chung, tối đi đánh nhau đã hy sinh, cho nên những tình cảm đó thiêng liêng lắm, gắn bó lắm. Bởi vậy khi tìm được hài cốt của đồng đội rất phấn khởi. Không chỉ bản thân mình mà gia đình cũng vui mừng khi tìm được người thân”.
Ông Võ Văn Đạt (con liệt sĩ Võ Văn Quỳ, hy sinh năm 1968), ở phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một cho biết, cha và chú là Võ Quan Thành của ông hy sinh khi ông còn rất nhỏ. Chưa một lần được thấy mặt cha, chú nên khi nghe tin ông Nguyễn Văn Lơ tìm được hài cốt cả đại gia đình ông Đạt vô cùng xúc động và biết ơn: “Gia đình rất vui sướng khi tìm được 2 hài cốt của cha và chú để quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và thờ cúng cho đến nay. Đây cũng là một sự may mắn vì nhiều người chưa tìm được thân nhân. Gia đình rất vui và cảm ơn ông Lơ và các ban, ngành của thành phố Thủ Dầu Một”.
Làm tròn lời hứa với đồng đội, ông Nguyễn Văn Lơ còn lập hồ sơ để các anh được công nhận liệt sĩ; tìm con cháu của đồng đội đưa đi học tại các trường dành cho con em liệt sĩ và gia đình cách mạng.
“Còn sức còn đi tìm đồng đội”
“Còn sức còn đi tìm đồng đội” - đó là câu khẳng định của cựu chiến binh Trần Doãn Linh (71 tuổi), ở phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương - người suốt 17 năm qua đi tìm hài cốt đồng đội.
Cựu chiến binh Trần Doãn Linh quê ở Nghệ An, nhập ngũ lúc tròn 18 tuổi. Đơn vị ông được tăng cường vào Nam hỗ trợ ở chiến trường Bình Phước, Đăk Nông. Ông được phân công làm Trung đội phó của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh miền Đông. Trận đánh đồi Đạo Trung ở Đăk Nông vào năm 1973-1974 để làm bàn đạp giải phóng Buôn Ma Thuột cũng là trận ác liệt nhất mà ông nhớ mãi không quên. Ở trận đánh này đồng đội của ông hy sinh rất nhiều và chính tay ông đã chôn cất họ. Sau khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đến năm 1982 ra quân và về làm công nhân Công ty bê tông 620 ở Dĩ An (Bình Dương).
Cựu chiến binh Trần Doãn Linh trải lòng, sau khi ra quân, ông rất muốn đi tìm hài cốt đồng đội nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Đến năm 2005, sau khi sắp xếp ổn định công việc gia đình, ông bắt đầu hành trình của mình. Ban đầu, ông kết nối với những đồng đội còn sống để cùng đến Bình Phước, Đăk Nông tìm kiếm những người đã hy sinh. Do công việc gia đình nên nhóm của ông giờ chỉ còn 5 người.
Ông Linh nghẹn ngào tâm sự, trong các trận đánh chứng kiến bao người đã ngã xuống, khiến ông rất đau lòng. Ông nghĩ đến bao người mẹ đang chờ tin con, những người vợ đang đi tìm chồng và cả những đứa con chưa một lần thấy mặt cha cũng ngày đêm mong ngóng. Đó chính là sức mạnh, là động lực để ông đi tìm đồng đội.
“Đồng đội hy sinh cho mình sống, mình có điều kiện một chút lực được đến đâu mình làm đến đó, lực đến đâu là làm đến đó. Mừng nhất là đào vào chỗ mình biết được mà còn hình hài là quá mừng, có khi biết cả tên. Hiện nay, còn 9 người trong một đại đội nhưng chưa tìm được nên phải cố gắng đi tìm”, ông Linh nói.
Những vết thương từ chiến tranh vẫn đau âm ỉ đau mỗi khi “trái gió trở trời”, vì vậy mỗi lần ông lên đường đi tìm mộ, hài cốt liệt sĩ là gia đình lại lo lắng. Tuy nhiên hiểu được tấm lòng của ông với đồng đội, gia đình luôn ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Bà Nguyễn Thị Phúc (vợ ông Linh) tâm sự: “Đi tìm được vài người thì ông mừng lắm và điện thoại về khoe với vợ con. Tâm huyết của ông nên gia đình cũng ủng hộ vì bản thân tôi cũng được sinh ra trong vành nôi cách mạng”.
Công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ rất khó khăn, ngoài chuyện am hiểu địa hình, người làm việc này phải có cái tâm và trí nhớ tốt để xác định nơi các đồng đội đã nằm xuống. Nhiều khi phải lặn lội trong rừng cả tháng trời nên chuyện đói cơm, khát nước là điều không tránh khỏi. Thế nhưng dù khó khăn, vất vả cũng không ngăn được bước chân của những người cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Lơ, Trần Doãn Linh thực hiện ước nguyện đi tìm hài cốt anh, em đồng đội đã từng vào sinh, ra tử trên các chiến trường năm xưa./.